Tăng mức sinh ứng phó già hóa dân số
TP HCM đang đối mặt với 2 đặc điểm được coi là mang tính đặc thù kép về dân số là mức sinh thấp ổn định bền vững trong nhiều năm qua và quá trình già hóa đang đến nhanh
Cơ cấu và các động thái về dân số như mức sinh, già hóa đóng vai trò quan trọng, cung cấp cơ sở cho quá trình hoạch định, triển khai và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách và giải pháp phù hợp với đặc trưng dân số cụ thể sẽ giúp cho việc quản lý và khai thác tối đa tiềm năng của dân số, đồng thời ứng phó kịp thời và bền vững với những vấn đề trong tương lai.
Những đặc điểm mang tính đặc thù
Dân số TP HCM có những đặc trưng cơ bản như: quy mô dân số lớn nhất cả nước, tính đến thời điểm cuối năm 2022, dân số TP HCM là hơn 9,4 triệu người và vẫn tiếp tục tăng lên; tỉ lệ dân cư sống ở đô thị cao nhất cả nước, lên đến 97,8%; dân cư đa dạng về dân tộc, văn hóa, ngôn ngữ và vùng miền; đặc điểm dân số trẻ, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.
Kết quả thống kê của Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê TP HCM cho thấy tổng tỉ suất sinh (TFR) của thành phố trong hơn 10 năm qua liên tục thấp hơn trung bình chung cả nước và thấp hơn mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Từ năm 2009 đến 2022, tổng tỉ suất sinh ở TP HCM duy trì ở mức thấp ổn định quanh con số 1,5 và chưa có dấu hiệu cải thiện. Số tuổi kết hôn lần đầu cao, tăng từ 26,6 tuổi năm 2009 lên 29 tuổi năm 2021. Xu hướng kết hôn muộn, không sinh con hoặc sinh ít con đang ngày càng gia tăng và phổ biến ở người trẻ ở TP HCM.
Cùng với quá trình giảm mức sinh, quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh hơn. Tuổi thọ trung bình của người dân TP HCM là 76,6 tuổi, cao hơn so với tuổi thọ trung bình cả nước là 73,6 tuổi. Hiện tại TP HCM có 841.000 người cao tuổi, số người cao tuổi xếp thứ hai trong cả nước.
Số liệu phản ánh thành tựu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng của thành phố nhưng là những thách lớn đặt ra trong tương lai đối với hệ thống phúc lợi xã hội cho người cao tuổi và nguồn lực lao động cho nền kinh tế. Chưa kể, xu thế di cư người cao tuổi ở khu vực khác, nhất là vùng nông thôn đến TP HCM trong giai đoạn tới gia tăng do hiện tượng "lên thành phố với con" sẽ cộng thêm số lượng người cao tuổi đến sống ở thành phố.
Tiếp cận tư duy "kiến tạo dân số"
Quá trình suy giảm mức sinh và già hóa dân số là những vấn đề nhiều quốc gia đã và đang gặp phải trong nhiều năm qua. Ứng phó với vấn đề này, các quốc gia đã thực thi những chính sách mạnh mẽ với nguồn lực lớn nhưng rất hiếm có trường hợp đạt được mục tiêu. Điển hình Hàn Quốc đã chi 200 tỉ USD cho chính sách khuyến sinh trong 16 năm qua nhưng tỉ lệ sinh vẫn thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Mặc dù hiện nay TP HCM chưa gặp phải hậu quả trực diện của hiện tượng giảm sinh và già hóa dân số nhưng ngay bây giờ cần có chính sách đột phá, phát huy hiệu quả và bảo đảm bền vững.
Trước hết, cần tiếp cận tư duy "kiến tạo dân số" trong quá trình ban hành, thực thi và triển khai chính sách liên quan đến tăng mức sinh và ứng phó già hóa dân số. Từ đó xây dựng các chính sách cho các vấn đề đặc thù dân số của TP HCM.
Cụ thể, có chính sách khuyến khích gia đình trung lưu, độ tuổi 25-35, bảo đảm các điều kiện về kinh tế, điều kiện sống sinh con thứ 3; chiến lược phát triển giáo dục mầm non, đa dạng hóa các loại hình chăm sóc trẻ dưới 6 tuổi; xã hội hóa, tư nhân hóa các hình thức chăm sóc, giáo dục; phát triển hình thức giáo dục bán trú.
Cần xem xét yếu tố dân số trong việc bố trí, sắp xếp nhân sự đối với một số ngành nghề và công việc đặc thù để hỗ trợ gia đình người lao động có điều kiện và cơ hội thực hiện chính sách sinh đủ hai con.
Xây dựng các rào cản pháp lý và kỹ thuật hạn chế phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nạo, phá thai khi chưa sinh con hoặc chưa sinh đủ 2 con. Đầu tư nguồn lực phát triển lĩnh vực hiếm muộn, sản nhi trong hệ thống y tế TP HCM.
Khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động người cao tuổi hợp lý; chính sách miễn giảm thời gian và chế độ làm việc hợp lý đối với lao động nữ mang thai, chăm sóc con nhỏ; các gói ưu đãi tín dụng về mang thai, sinh sản cho các cặp vợ chồng chưa sinh con, chưa sinh đủ 2 con. Hỗ trợ tài chính trực tiếp đối với những cặp vợ chồng thực hiện tốt chính sách dân số. Nghiên cứu hình thành "quỹ phát triển dân số" của thành phố nhằm huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng phục vụ cho công tác dân số.
Đẩy mạnh truyền thông dân số, thay đổi hành vi trong các nhóm công chúng mục tiêu, nhất là những người trong độ tuổi sinh đẻ chưa sinh con, chưa sinh đủ 2 con, phá bỏ tâm lý trì hoãn sinh, kết hôn muộn, lối sống độc thân.
Tăng cường nghiên cứu khoa học, chính sách liên quan đến dân số, trong đó tập trung vào tăng mức sinh và ứng phó già hóa dân số. Có hệ thống dữ liệu về dân số, tích hợp với các hệ thống y tế, giáo dục, truyền thông. Phát triển hạ tầng công nghệ số liên quan đến quản lý dân số và dân cư. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dân số, nhất là tại cấp cơ sở. Xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực lão khoa, dịch vụ công tác xã hội về chăm sóc người cao tuổi; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; phụ nữ mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/tang-muc-sinh-ung-pho-gia-hoa-dan-so-20230809210512155.htm