Tăng mũi thi công, ứng dụng công nghệ đẩy tiến độ cao tốc dọc miền Trung

Hầu hết các dự án cao tốc dọc miền Trung đều đạt và vượt tiến độ, tạo tiền đề bứt tốc trong 500 ngày đêm nỗ lực hoàn thành. Hiện các đơn vị triển khai dự án cam kết tăng mũi thi công, tăng ứng dụng công nghệ, vượt khó khăn mặt bằng tồn đọng…

Rộn tiếng máy công trường cao tốc

Những ngày trung tuần tháng 8/2024, có mặt tại Km320+500, cao tốc Vân Phong - Nha Trang (đoạn tuyến của Công ty CP Lizen thi công, địa phận TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), PV ghi nhận nhịp điệu thi công thêm hối hả.

Nhìn những mét thảm bê tông nhựa lớp C19 hình hài mặt đường cao tốc, kỹ sư Bành Văn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Lizen vui nói: Toàn công trường rộn ràng khí thế triển khai hướng về phong trào thi đua "500 ngày đêm quyết thắng trên cao tốc".

Lizen đã huy động 460 nhân sự, hơn 270 đầu thiết bị, với hơn chục mũi thi công, tăng 3 ca liên tục. "Đến nay, Lizen thảm nhựa được khoảng 75% trong số gần 35km mà đơn vị đảm nhiệm thi công.

Tranh thủ thuận lợi về thời tiết, mặt bằng, nguồn vật liệu, đơn vị tăng tốc tiến độ để đảm bảo gói thầu cán đích đúng chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT vào tháng 4/2025", ông Anh nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khi thị sát các cao tốc nối Khánh Hòa - Bình Định ngay trong những ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 (Ảnh: Xuân Huy).

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khi thị sát các cao tốc nối Khánh Hòa - Bình Định ngay trong những ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 (Ảnh: Xuân Huy).

Không riêng Lizen, các nhà thầu triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến Vân Phong - Nha Trang. Thống kê Ban QLDA 7 (chủ đầu tư dự án), hiện toàn công trường có 30 mũi thi công (21 mũi đường, 9 mũi cầu) với gần 1.400 nhân lực, gần 800 thiết bị thi công các loại.

Đến nay, dự án đạt hơn 4.700 tỷ đồng (tương đương 66%) giá trị xây lắp theo hợp đồng, vượt so 0,2% với kế hoạch. Nguồn vốn năm nay của dự án cũng đã giải ngân đạt hơn 53% kế hoạch vốn được giao.

Ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Điều hành dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang (Ban QLDA 7) cho hay: "Ban đang phối hợp tích cực các địa phương để sớm xử lý dứt điểm vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, di dời công trình điện cao thế (110kV, 220kV) trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh... để tạo đà bứt tốc tiến độ dự án, đảm bảo mục tiêu cơ bản hoàn thành cao tốc dịp 30/4/2025".

Theo ông Hoàng Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung tối đa cho công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật bàn giao công địa cho các nhà thầu thi công. Tỉnh giao UBND tỉnh rà soát, tập trung xử lý một số vị trí còn vướng mặt bằng cục bộ, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, địa phương cần có giải pháp cụ thể để tuyên truyền, vận động người dân và có biện pháp xử lý phù hợp với quy định.

Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay, tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng tập trung di dời hạ tầng kỹ thuật điện, đặc biệt tại các vị trí ưu tiên, xung yếu đường găng tiến độ dự án phấn đấu đến ngày 30/8 hoàn thành xử lý dứt điểm vướng mắc mặt bằng tồn đọng.

Ông Lê Quốc Dũng, quyền Giám đốc Ban QLDA 7 cho hay: Việc sớm bàn giao mặt bằng tạo tiền đề quan trọng đưa dự án tăng tốc thi công trong đợt cao điểm thi đua 500 ngày đêm này. Ban kiểm đếm chặt tiến độ các nhà thầu, tổ chức giải pháp thi công hiệu quả, đưa dự án cán đích vào tháng 4/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT, là cao tốc đầu tiên trong các dự án thành phần dọc miền Trung về đích sớm trong năm tới.

Thông mặt bằng, đẩy tiến độ

Tương tự tại dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, khi căn nhà cuối cùng án ngữ trên tuyến chính cao tốc qua Vĩnh Linh (Quảng Trị) được tháo dỡ, bàn giao công địa nhà thầu, công tác thi công thêm đồng bộ, hối hả.

Ông Mai Quý Khánh - Phó trưởng phòng ĐHDA4 (Ban QLDA Đường HCM) cho hay, mỗi ngày trên công trường, các nhà thầu tổ chức hơn 70 mũi thi công, triển khai song song các hạng mục nền, móng, mặt đường, cầu cống và các công trình phụ trợ. Đặc biệt, nhà thầu huy động 15 máy rải cấp phối đá dăm, máy thảm bê tông nhựa, cùng hàng trăm máy đào, máy ủi, máy san, máy khoan, lu rung, xúc lật, ô tô vận chuyển vật liệu… với tổng số khoảng 1.500 kỹ sư, công nhân, lái máy, làm việc "3 ca, 4 kíp".

Thi công thảm nhựa cao tốc Vân Phong – Nha Trang, đoạn qua xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Cao Sơn).

Thi công thảm nhựa cao tốc Vân Phong – Nha Trang, đoạn qua xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Cao Sơn).

Đến cuối tháng 8/2024, dự án sẽ hoàn thiện gần 80% nền đường toàn tuyến, phần móng đường hoàn thành hơn 40km (đạt gần 70%). Đáng kể nhất, toàn dự án đã hoàn thành gần 35km các lớp bê tông nhựa C19 và có gần 30km hoàn thành bê tông nhựa mặt C16.

Theo Lãnh đạo Ban QLDA Đường HCM, đến cuối tháng 8/2024, cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đạt sản lượng khoảng 55 - 56%, bám sát tiến độ điều chỉnh. Các nhà thầu vào cao điểm hoàn thiện nền đường, cán đích vào cuối tháng 9/2024, trước mùa mưa.

Thống kê Ban QLDA Đường HCM, thời gian qua, các địa phương vào cuộc tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng, đặt quyết tâm hoàn thành xong mặt bằng cho cao tốc từ cuối tháng 7/2024.

Tuy nhiên, đến trung tuần tháng 8/2024, vẫn còn khoảng 10 đoạn vướng mặt bằng cục bộ, với tổng chiều dài 0,7km. Ban chủ động phối hợp chặt chẽ địa phương để hoàn thành GPMB còn lại trong tháng 8/2024. Đồng thời, ban có các giải pháp hiệu quả để kiểm soát tiến độ, bù tiến độ trong những trường hợp vướng mặt bằng và các yếu tố bất lợi.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA Đường HCM cho hay, nút thắt mặt bằng đang được các địa phương, Ban phối hợp giải quyết trong tháng 8/2024, đây là một trong các điều kiện quan trọng cùng với nỗ lực quyết tâm cao độ của các đơn vị triển khai dự án với tinh thần "vượt nắng thắng mưa", "3 ca, 4 kíp" đưa cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ về đích sớm theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT, cơ bản thông xe dịp 30/4/2025.

Vượt khó khăn về mặt bằng tồn đọng, thiếu đường tiếp cận, chưa giải phóng rừng tự nhiên… Ban QLDA 85 (Bộ GTVT) cùng các nhà thầu cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh nối Bình Định, Phú Yên đang nỗ lực kiểm soát chặt tiến độ, đảm bảo kế hoạch đề ra với những quy trình giám sát nghiêm ngặt.

Tại gói thầu 11-XL (Km0+00 - Km23+500), cao tốc Hoài Nhơn- Quy Nhơn, dù chưa thể thi công đồng loạt do vướng đoạn tuyến chính qua rừng tự nhiên đang chờ giải phóng, tuy nhiên, nhà thầu Tổng công ty XD Trường Sơn huy động 23 mũi thi công các hạng mục nền đường tuyến chính, cầu cống, cùng gần 500 nhân lực, cơ bản đảm bảo yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc ĐHDA cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn cho hay, các nhà thầu huy động nhân vật lực đảm bảo yêu cầu kế hoạch được phê duyệt. Theo đó, đến nay, dự án tập trung hoàn thành 100% đường công vụ (hơn 62km), công tác đào đặt nền đường K95 đạt trên 80%, đắp đất nền đường K98 đạt gần 55%; riêng các lớp cấp phối đá dăm loại 1 đạt hơn 36%...

Ông Nguyễn Lê Minh, Phó giám đốc Ban ĐHDA cao tốc Quy Nhơn- Chí Thạnh cho hay, các nhà thầu nỗ lực thi công đồng loạt trên công trường với 75 mũi thi công, 825 đầu máy thiết bị, cùng gần 1.700 kỹ sư, công nhân, lái máy.

Đến nay, công tác đào nền đường đạt hơn 78%, đắp nền đường bằng đá tận dụng đạt hơn 95%, đắp nền K95 đạt 80%, nền K90, K98 đạt gần 30%, đồng thời đang đẩy tiến độ lớp cấp phối đá dăm loại 1, gia cố xi mắng. Hiện tiến độ dự án đạt gần 50%.

Theo lãnh đạo Ban QLDA 85, triển khai cao điểm 500 ngày đêm thi đua quyết thắng, Ban phối hợp địa phương để sớm xử lý dứt điểm mặt bằng tồn đọng, vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên.

Thống kê trên tuyến cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, đến nay Bình Định, Phú Yên bàn giao cơ bản bàn giao 100% mặt bằng trên toàn tuyến chính (61,67km), tuy nhiên, thực tế vẫn còn hơn 1km chưa thể tiếp cận thi công, do mặt bằng nhận chưa liên tục; tập trung 6 đoạn qua TX Sông Cầu (Phú Yên), như Km24+900 - Km25+200, Km25+600 - Km25+740… Bên cạnh đó, một số vị trí hạ tầng kỹ thuật điện cao thế, trung hạ thế tại Quy Nhơn (Bình Định), Sông Cầu, Tuy An (Phú Yên) ảnh hưởng tới các mũi thi công đồng bộ trên công trường.

Tương tự, tại cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, việc giải phóng đất rừng tự nhiên đầu tuyến cao tốc này đang là rào cản tiến độ lớn nhất. Đại diện Tổng công ty XD Trường Sơn (gói thầu 11-XL) cho hay, dự án qua rừng tự nhiên từ Km18+650 - Km21+100 (phần mở rộng mái ta luy) có 2,6 triệu m3 đào đất, phá đá.

Đến nay, việc chưa thể chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khiến nhà thầu thi công cầm chừng do không có mặt bằng thi công, đồng thời thiếu cả nguồn vật liệu đất đắp điều phối, đá xay làm cấp phối đá dăm phục vụ thi công cho các đoạn tuyến khác.

Theo ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban QLDA 85, đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương, cơ quan chức năng để bám tiến độ giải phóng đất rừng tự nhiên này. Tháng 6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thông báo kết luận, giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên.

Hiện, Bộ TN&MT có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu giải trình kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đó Chính phủ đang lấy ý kiến của thành viên Chính phủ trước khi hoàn thiện Tờ trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nút thắt mặt bằng sớm được xử lý tạo đà đưa dự án cao tốc qua Bình Định, Phú Yên tăng tốc tiến độ.

Lãnh đạo Ban QLDA 85 cho hay, để đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh từ tháng 6/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Ban thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các nhà thầu tổ chức thi công cuốn chiếu khoa học, hiệu quả; tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung triển khai thi công nền, móng, mặt đường; chỉ đạo tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công thường xuyên rà soát, cập nhật tiến độ thi công chi tiết các gói thầu, bổ sung mũi thi công, đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và giải ngân.

Đồng thời, Ban QLDA 85 phối hợp với chính quyền địa phương và các bên liên quan để xử lý những vấn đề mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật tồn đọng, bổ sung thêm các bãi thải vật liệu, thủ tục mỏ…

Tăng ứng dụng công nghệ, rút ngắn thời gian thi công

Sau gần 20 tháng thi công, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đang chạy đà tiến độ tốt nhờ "chìa khóa" ứng dụng công nghệ hiện đại trong thi công, cho từng hạng mục nhỏ nhất…Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ số nên quá trình triển khai dự án tương đối thuận lợi.

Những bất cập trên công trường sớm được phát hiện, tháo gỡ. Việc này giúp đơn vị kiểm soát tốt tiến độ và chất lượng công trình. "Không chỉ trong giai đoạn thi công mà công nghệ này còn giúp đơn vị làm chủ trong giai đoạn vận hành, quản lý dự án sau khi đưa công trình vào khai thác", đại diện nhà thầu Đèo Cả cho hay.

Nhà thầu Đèo Cả thi công nền đường hầm số 2 dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Nhà thầu Đèo Cả thi công nền đường hầm số 2 dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Điểm nhấn công trường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn phải kể đến 3 hầm xuyên núi với chiều dài hầm 1 là 610m, hầm 2 dài 698m, hầm 3 dài 3.200m. Trong đó, hầm 3 là hầm đường bộ dài nhất được xây mới trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đến thời điểm hiện tại.

Ghi nhận của PV, sau 20 tháng thi công, hầm số 1 và số 2 đã thông hầm, riêng hầm số 3 đã đào được gần 3.000/6.400m và đang phấn đấu cán mốc đào 5.000m hầm số 3 vào cuối năm 2024.

Kỹ sư Bùi Hồng Đăng cho biết, phương pháp mới này là do đội ngũ kỹ sư của công ty tính toán, cải tiến từ công nghệ đào hầm đang được ứng dụng. Nhờ đó, thời gian thông hầm số 2 đã rút ngắn hơn 4 tháng so với phương pháp đào thông thường.

"Việc tăng mũi đào và bước đào không làm tăng chi phí mà ngược lại còn tăng hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, tiết kiệm khi giảm được chi phí nhân công, máy móc trong 4 tháng rút ngắn tiến độ. Chỉ tính riêng chi phí máy khoan, máy phun, nhân công tại hạng mục hầm số 2 dự kiến tiết kiệm được hơn 40 tỷ đồng.

Xuân Huy

Cao Sơn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tang-mui-thi-cong-ung-dung-cong-nghe-day-tien-do-cao-toc-doc-mien-trung-192240818043414336.htm