Tăng năng lực thích ứng cho nông dân
Không phải bây giờ mà nhiều năm rồi cứ hạn hán đến hay mùa lũ về, hoa màu mất trắng, nông dân lại trắng tay.
Kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành nông nghiệp trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi. Các đợt mưa lớn từ ngày 24 - 27/1 và từ 14 - 16/2 gây ngập úng nhiều diện tích lúa vụ đông xuân. Thời tiết từ tháng 5 đến tháng 8/2023, liên tiếp xảy ra các đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi.
Thời điểm này, người dân đang căng mình ứng phó mưa lũ, nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn. Và, trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, không ai dám chắc, người dân phải đối mặt với bao nhiêu đợt lũ trong năm, thiệt hại khó mà thống kê đầy đủ.
“Thích ứng với thiên tai” – cụm từ rất phổ biến trong nhiều năm qua và hơn ai hết, nông dân Thừa Thiên Huế nằm lòng, họ thường xuyên đối mặt lũ lụt, hạn hán qua từng năm, song thiệt hại về nông nghiệp tái diễn như điệp khúc chưa có hồi kết.
Thực trạng trên được các cơ quan chức năng lẫn chính quyền địa phương nhận diện từ lâu. Tỉnh cũng đề ra mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản; nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Năm 2023, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn; nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ tiếp tục phát triển. Về diện tích nông nghiệp công nghệ cao tăng 2%; sản xuất theo hướng VietGAP tăng 21,6%; sản xuất theo hướng hữu cơ tăng 11,6%.
Đối với cơ cấu theo từng lĩnh vực, đáng chú ý đã giảm tỷ trọng cây lương thực, tăng tỷ trọng nhóm cây ăn quả và rau các loại… Đặc biệt, ngoài công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, việc đưa các loại giống mới có ưu thế vượt trội về chất lượng, khả năng chống chịu như, HG12, HG244... góp phần rất lớn vào kết quả sản xuất lúa.
Thông tin trên phần nào chứng minh đã có chuyển biến bước đầu từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Mặc dù vậy, trở lại với câu chuyện thích ứng với thời tiết cực đoan trong sản xuất nông nghiệp thì nông dân vẫn còn bị động. Nhiều diện tích đất bị bỏ hoang gây lãng phí, những thiệt hại mùa năng nóng hay mưa lũ trong nhiều năm qua đã chứng minh điều đó.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chủ trương, chính sách là đúng, tuy nhiên, thực tiễn công tác thực hành nông nghiệp theo hướng thích ứng của nông dân còn hạn chế.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và thời tiết, tạo nên rủi ro lớn.
Liên quan đến việc đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn dẫn đến nông dân có tâm lý e ngại. Về mặt chủ quan, kiến thức sản xuất và trình độ của nông dân vẫn còn hạn chế tạo ra rào cản trong việc tiếp thu các kiến thức, quy trình công nghệ mới. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định…
Tại một buổi làm việc với tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cách tổ chức sản xuất, sức ì quán tính của người nông dân, tính tư hữu, tính nhỏ lẻ đang là khó khăn, thành ra cần phải có cách tiếp cận chiến lược hơn. Những chương trình phát triển của Huế từ khuyến nông, rồi kinh tế hợp tác, chế biến, phát triển thị trường phải tư duy tích hợp đa giá trị. Nó phải gắn liền một chuỗi từ giống đầu tiên tới chế biến tới thị trường. Phải đi theo một tư duy kinh tế, tư duy tích hợp đa giá trị, như vậy sẽ có kế hoạch khả thi hơn.
Mục tiêu của ngành nông nghiệp thời gian tới vẫn tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ. Mở rộng, phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội địa phương. Tiếp tục cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lúa một cách hợp lý, tăng tỷ trọng nhóm cây ăn quả, cây dược liệu và rau, hoa thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng quy mô diện tích…
Để hoàn thành mục tiêu ấy, câu chuyện thích ứng với thời tiết cực đoan cần được chú trọng đầu tiên. Đó có thể là một chương trình tổng thể, dài hạn; trong đó ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, hướng đến sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp gắn với phòng, chống thiên tai. Nếu không, đất đai vẫn cứ bỏ hoang mùa hạn; lúa, hoa màu, cây ăn quả vẫn cứ rơi rụng khi lũ về. Và, nông dân lại thêm một lần tay trắng.