Tăng năng lực tự chủ cho nền kinh tế

Tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ tư ngày 9-5 vừa qua, Thủ tướng khẳng định: Giờ là lúc lò xo kinh tế bị nén lại sẵn sàng để bung ra…, với năm mũi giáp công là: Tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư tư nhân; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI); tăng cường xuất khẩu; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khuyến khích tăng cường nhu cầu nội địa.

Sau đợt cao điểm chống đại dịch Covid-19, cả nước không có trường hợp tử vong; liên tục 31 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng. Vì vậy, từ ngày 23-4, các hoạt động kinh tế - xã hội trên cả nước đã và đang từng bước phục hồi về trạng thái bình thường mới, với mục tiêu kép: Tiếp tục kiểm soát an toàn dịch bệnh; đồng thời, duy trì sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Thực tiễn vừa qua đã khẳng định sự cấp thiết phải củng cố sự tự chủ kinh tế của mỗi quốc gia, cũng như của Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới ngày càng mở cửa, tự do hóa và toàn cầu hóa, hội nhập và phân công, hợp tác quốc tế ngày càng sâu và rộng, tự chủ kinh tế trong bối cảnh bình thường mới không có nghĩa là quay trở lại mô hình kinh tế tự cung tự cấp, co hẹp và đóng băng các quan hệ cung ứng hàng hóa, dịch vụ và công nghệ quốc tế, mà cần được bổ sung những yêu cầu mới về tăng năng lực chống đỡ của nền kinh tế với các biến động giảm mạnh cả tổng cung và tổng cầu trên thị trường xã hội, và sự đứt gãy các chuỗi cung ứng cả về nguồn yếu tố đầu vào và thị trường tiêu thụ đầu ra, sự suy giảm đột ngột các quan hệ kinh tế trong nước và quốc tế dựa trên tiếp xúc trực tiếp truyền thống; cũng như về nâng cao hơn các yêu cầu quy chuẩn và tiêu chuẩn về bảo đảm vệ sinh và phòng dịch…

Trên tinh thần đó, trước mắt, cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung, chủ động điều chỉnh các kế hoạch sản xuất, kinh doanh; sắp xếp lại các đứt gãy chuỗi cung ứng kinh tế hiện có và xây dựng mới, đa dạng hóa các chuỗi liên kết, các đối tác và thị trường, hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước và đẩy mạnh sản xuất thay thế nhập khẩu; gia tăng các hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng, thương mại điện tử, các ứng dụng hỗ trợ làm việc từ xa và thanh toán không dùng tiền mặt.

Các cơ quan chức năng và địa phương cần thấm nhuần và thổi bùng khát vọng xây dựng quốc gia hùng cường, đặt lợi ích đất nước lên trên hết, trọng dụng nhân tài và quyết liệt phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thay thế những cán bộ yếu kém về năng lực và tinh thần trách nhiệm, kỷ luật công vụ; triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách, nhằm giảm thiểu các chi phí thể chế, tài chính, thời gian và công sức tuân thủ cho doanh nghiệp, để khu vực kinh tế tư nhân và thị trường trong nước thật sự là đầu kéo chủ lực và động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế sau dịch Covid-19.

Đồng thời, cần chủ động xây dựng và nhanh chóng triển khai chiến dịch xúc tiến đầu tư và thương mại chiến lược quốc gia, khẳng định Việt Nam là “đối tác tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam, định hình và xác lập vị thế mới của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu; tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam từ các nhà đầu tư FDI có tiềm năng thật sự về tài chính, công nghệ và tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường, khai thác tốt các cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do mới; nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện các yêu cầu quốc tế hóa và số hóa, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.

Đại dịch Covid-19 đang làm bộc lộ và cũng là cơ hội để nhận diện và cải thiện những điểm bất cập và hạn chế của nền kinh tế, cả cấp vĩ mô và vi mô. Vì vậy, củng cố năng lực tự chủ kinh tế là một trong những định hướng và giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra nhanh chóng trong khi các thách thức an ninh phi truyền thống, những nguy cơ của dịch bệnh, thiên tai sẽ có thể trở thành lực cản lớn ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong dài hạn cũng như làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/44508802-tang-nang-luc-tu-chu-cho-nen-kinh-te.html