Tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận từ trồng lúa thông minh
Sau khi tiến hành thu hoạch vụ lúa đông xuân thí điểm theo mô hình canh tác thông minh, kết quả cho thấy chi phí cho giống, chăm sóc giảm, trong khi năng suất, chất lượng và lợi nhuận tăng. Đây là cơ sở để hoàn thiện mô hình hướng tới triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 13/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hậu Giang tổ chức tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh vụ Đông Xuân 2023-2024. Mô hình triển khai vào tháng 12/2023, tại lễ phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Mô hình có diện tích khoảng 10ha, tại xã Vị Trung và Vị Bình, huyện Vị Thủy, Hậu Giang. Mô hình không tập trung so sánh hiệu quả với đối chứng mà tập trung xây dựng mô hình có hiệu quả thực tế, phù hợp với canh tác ở từng vùng; kết hợp với tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác một cách bài bản, căn cơ để bà con nông dân có thể chủ động áp dụng. Bên cạnh đó, mô hình cũng triển khai đánh giá các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chất lượng lúa gạo.
Kết quả, chi phí đầu tư mô hình từ 19 - 22 triệu đồng/ha, lượng giống 60 kg/ha. Khi thu hoạch, vùng lúa tại xã Vị Trung đạt năng suất 9,9 tấn/ha, lợi nhuận gần 65 triệu đồng; tại xã Vị Bình lúa đạt năng suất đạt 8,9 tấn/ha, lợi nhuận gần 52 triệu đồng. So với ruộng ngoài mô hình canh tác cách truyền thống, năng suất của mô hình cao hơn từ 100 - 200 kg/ha, lợi nhuận cao hơn từ 1,5 - 4,6 triệu đồng/ha.
Ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hậu Giang - cho biết, nếu so với bình quân trong canh tác lúa tại địa phương theo cách truyền thống, mô hình đã giảm được đáng kể lượng giống, phân bón, số lần phun thuốc. Chi phí giảm, đạt năng suất cao, mang lại lợi nhuận tốt cho bà con nông dân.
So với cách sản xuất truyền thống, mô hình này nâng cao chất lượng gạo, tỷ lệ thu hồi gạo khi xay xát tăng.
Theo GS, TS. Nguyễn Bảo Vệ - Trưởng Ban cố vấn chương trình, quy trình canh tác lúa thông minh đáp ứng hai tiêu chí là thông minh và mở. Thông minh do phù hợp với từng vùng sinh thái, từng mùa vụ; mở do không ngừng cập nhật giải pháp kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả.
“Với những kết quả từ hai mô hình tại Hậu Giang và các tỉnh trong vụ đông xuân 2023-2024 sẽ hình thành quy trình, một cách trồng lúa phù hợp và hiệu quả cho bà con nông dân trong vùng. Cũng có thể là một trong những quy trình rất phù hợp để góp phần vào triển khai thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp”, ông Vệ kỳ vọng.
Thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, tỉnh Hậu Giang sẽ hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính.
Mục tiêu đến năm 2030, diện tích vùng chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp của tỉnh đạt 46.000 ha. Tại các vùng chuyên canh, lượng lúa giống gieo sạ dưới 70 kg/ha; lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học giảm 30%; lượng nước tưới giảm 20%; 100% diện tích áp dụng một trong các quy trình canh tác bền vững; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%...
.