Tăng năng suất: Chìa khóa để thoát bẫy thu nhập trung bình
Trong giai đoạn 2016 - 2019, việc thực thi các nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XII đã đạt được nhiều thành tựu, tiếp tục đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Tỷ lệ nghèo cùng cực đã giảm từ gần 60% trong những năm 1990 xuống dưới 3% năm 2016 và đến nay chỉ còn xấp xỉ 1%. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đó, nền kinh tế vẫn có rất nhiều thách thức trên hành trình trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình cao tới năm 2030.
Gọi tên thách thức lớn
Năng suất chính là động lực cho tăng trưởng trong tương lai. Vậy thực tế, năng suất lao động Việt Nam đang ở đâu?
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tương đương 4.521 USD/lao động (theo giá hiện hành), cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011, tăng bình quân 4,88%/năm giai đoạn 2011 - 2018, riêng giai đoạn 2016 - 2018 tăng bình quân 5,77%/năm.
Tuy nhiên, nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động nước ta đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Phillipines.
Ðiều gì khiến năng suất lao động của chúng ta thấp như vậy? Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu nhất vẫn là do đầu tư công dàn trải, thiếu hiệu quả khiến cho năng suất thấp bao trùm trong cả nền kinh tế.
Ðáng ngại nữa là mức tăng năng suất của khu vực tư nhân trong nước liên tục giảm với 2 lý do: một là, nền tảng thể chế kinh tế thị trường hiện tại chậm hoàn thiện gây phương hại đến quyền sở hữu tài sản và làm giảm tính cạnh tranh trên các thị trường hàng hóa; hai là, thị trường các yếu tố sản xuất bị chi phối bởi sự kết hợp không rõ ràng giữa phân bổ theo thị trường và phân bổ bằng mệnh lệnh hành chính.
Kết quả là phân bổ đất đai, vốn dựa vào các quyết định hành chính, mà ít thông qua tín hiệu thị trường.
Thị trường đất đai bất cập cũng gây tổn hại cho năng suất trên hai khía cạnh, diện tích đất đô thị tăng nhanh hơn dân số đô thị làm giảm mật độ dân số đô thị, từ đó làm hạn chế khả năng tăng năng suất qua tập trung dân cư tại đô thị. Thứ hai, những rào cản của quá trình tích tụ, tập trung hóa đất đai nông nghiệp làm giảm năng suất của ngành nông nghiệp.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước. Khu vực kinh tế tư nhân, với sự năng động và linh hoạt vốn có, được coi là động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và là một trong các đòn bẩy quan trọng tạo sự cạnh tranh, linh hoạt cho nền kinh tế dù có bước phát triển mạnh mẽ sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW 2017 nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu.
Trong hai năm 2017 - 2018, đã có 258.134 doanh nghiệp được thành lập mới và 60.458 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại. Song chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khả năng tích tụ nguồn lực của khu vực này còn thấp. Hiện mới chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 46% ở các nước trong khu vực ASEAN.
Một nghiên cứu của Economical cho thấy, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng thấp hơn so với lãi suất trung bình khi vay vốn ngân hàng. Tỷ lệ lợi nhuận thấp gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân và cho các nhà đầu tư tiềm năng hiện đang cân nhắc khả năng đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước (hoặc là dưới hình thức một doanh nghiệp mới hoặc vào các doanh nghiệp hiện có).
Tạo dư địa cho kinh tế tư nhân phát triển, tập trung tăng năng suất
Nghị quyết 12-NQ/TW đã nhấn mạnh “tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các doanh nghiệp nhà nước yếu kém”.
Ðây là một chủ trương đúng đắn cần tập trung thực hiện để thu hút các nguồn lực đại chúng vào nền kinh tế, tạo ra những bước thay đổi mạnh mẽ về chất ở các doanh nghiệp.
Thực tế đã chứng minh tính hiệu quả ở các doanh nghiệp nhà nước sau chuyển đổi (cổ phần hóa, thoái vốn). Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của 294 doanh nghiệp có cổ phần, góp vốn của nhà nước năm 2017 thì tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các doanh nghiệp là gần 544.000 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2016.
Vốn chủ sở hữu năm 2017 cũng tăng 14% so với năm trước đó. Tổng doanh thu của các công ty đạt gần 500.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2016; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế cũng tăng 11%...
Như vậy, nhìn chung, chỉ số tài chính của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều tăng. Chưa kể đến năng lực quản trị doanh nghiệp cũng có nhiều chuyển biến tích cực, giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh theo chiều hướng tốt hơn.
Nói đến các doanh nghiệp thay đổi mạnh mẽ sau cổ phần hóa, không thể không kể đến một loạt doanh nghiệp có sức vươn lên như Phù Ðổng trong nền kinh tế như Vinamilk, Dược Hậu Giang, Traphaco, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong…
Tại TNG, việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần không còn vốn nhà nước đã tạo ra những bước tiến mạnh mẽ. Vốn chủ sở hữu hiện đạt hơn 929 tỷ đồng, tăng 309 lần so với năm 2003; doanh thu năm 2019 ước đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 90 lần; lợi nhuận ước đạt 220 tỷ đồng, tăng hơn 100 lần, giải quyết việc làm ổn định cho trên 16.000 người.
Ðiều đó cho thấy, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết 12-NQ/TW, vốn nhà nước chỉ “tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư”.
Những doanh nghiệp chuyển đổi thực chất, có sự lớn mạnh về quy mô và chất lượng tăng trưởng sau cổ phần hóa sẽ góp phần vào việc tăng năng suất quốc gia.
Có nhiều bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp tư nhân lớn hơn và được quản trị tốt hơn ở Việt Nam có xu hướng tăng tích cực về hiệu quả hoạt động và năng suất. Những lợi thế kinh tế nhờ quy mô cho phép công ty có quy mô lớn hơn hoạt động hiệu quả hơn.
Dữ liệu tổng hợp từ 100 công ty tư nhân hàng đầu được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, doanh thu, lợi nhuận trên mỗi đơn vị lao động tăng đều đặn trong giai đoạn 2012 - 2016, doanh thu tăng từ 1,5 tỷ đồng năm 2012 lên 2,27 tỷ đồng trong năm 2016 và lợi nhuận tăng gấp đôi từ 92,6 triệu trong năm 2012 lên 190,4 triệu đồng vào năm 2016.
Doanh nghiệp lớn cũng có mối liên kết chặt chẽ hơn với thị trường quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết các công ty này đã có thể phát triển thương hiệu riêng của mình, thay vì chỉ làm gia công, hoặc cung cấp hàng hóa và dịch vụ duy nhất cho thị trường địa phương như thường thấy ở hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Tập trung vào đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm
Trong bối cảnh các lợi thế dân số trẻ, thời kỳ dân số vàng sẽ dần mất đi, tài nguyên thiên nhiên ngày càng trở lên khan hiếm và đắt đỏ, ở tầm vi mô là các doanh nghiệp, tầm vĩ mô là Ðảng và Nhà nước, phải xác định được tầm nhìn và chiến lược rõ ràng để ít phụ thuộc vào mô hình sản xuất dựa nhiều vào nguồn lực để chuyển sang mô hình dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, có mức độ thâm dụng vốn cao hơn.
Theo một khảo sát của Tổng cục Thống kê đối với 7.450 doanh nghiệp khu vực tư nhân trong năm 2014, tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao hầu như không thay đổi ở mức 17% trong giai đoạn 2010 - 2014.
Khảo sát cũng cho thấy chỉ có 6,23% doanh nghiệp cho biết họ có thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và chỉ có 5,15% có đầu tư cải tiến và nâng cấp công nghệ, máy móc và thiết bị trong năm 2014. 83% doanh nghiệp được khảo sát không có kế hoạch thực hiện các hoạt động R&D hoặc nâng cấp công nghệ, máy móc và thiết bị.
Ðây là một thực tế đáng e ngại và cần phải được xóa bỏ sớm vì đổi mới sáng tạo lại là yếu tố quyết định tới cải thiện năng suất lao động.
Các nhà kinh tế đều thống nhất rằng tuyệt đại bộ phận các nước không có khả năng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (dù có tăng trưởng nhanh hay không) gần như hoàn toàn do năng suất bị đình trệ.
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman đã tổng kết tầm quan trọng của năng suất đối với kinh tế học phát triển như sau: “Một quốc gia có khả năng nâng cao mức sống về lâu dài hay không gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nâng cao sản lượng tính trên đầu người của quốc gia đó”.
Lấy ví dụ tại Hàn Quốc, vào những năm 1960, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt vỏn vẹn 65 USD, nhưng đến năm 2018 đã đạt 31.000 USD. Trước đây, tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu khoáng sản, nay sức mạnh kinh tế của họ đến từ các ngành công nghiệp như ô tô, đóng tàu, máy tính, các sản phẩm chế tạo…
Với Việt Nam, để không bị bỏ lại phía sau, chắc chắn chúng ta sẽ phải có những cải cách dài hạn, cụ thể là phải tạo ra được cơ chế khuyến khích học tập và đổi mới sáng tạo toàn diện.
Trước mắt là những chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hiện đại hóa trong các ngành công nông nghiệp, tập trung hơn vào cạnh tranh và giảm điều tiết thị trường nhằm nhanh chóng thúc đẩy đổi mới, đầu tư cho công nghệ, R&D, mục tiêu cuối cùng là tăng năng suất.