Tăng nguồn vốn cho vay tiêu dùng: Khách hàng hưởng lãi suất ưu đãi
Ngay từ đầu năm 2024, các ngân hàng thương mại liên tục đưa ra các gói tín dụng quy mô lớn với lãi suất hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn tiêu dùng của khách hàng cá nhân.
Từ ngày 1-2 đến 30-6-2024, Agribank dành 10.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống. Hiện nay, Agribank đang áp dụng các mức lãi suất ưu đãi từ 4%/năm với khoản vay đến 3 tháng; từ 4,5%/năm với khoản vay trên 3-6 tháng; từ 5%/năm với khoản vay trên 6-12 tháng; từ 6%/năm với khoản vay trên 12 tháng đối với khách hàng cá nhân vay vốn tiêu dùng để phục vụ nhu cầu thiết yếu như: mua nhà ở, đất ở, xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà, mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, phương tiện đi lại và các mục đích tiêu dùng khác.
Tương tự, BIDV cũng đang triển khai gói vay trung dài hạn phục vụ nhu cầu đời sống với quy mô 100.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi từ 6%/năm, thời gian triển khai chương trình đến ngày 31-12-2024. Khách hàng vay vốn phục vụ các nhu cầu như mua nhà ở, mua ô tô, tiêu dùng, sản xuất kinh doanh có tài sản đảm bảo bằng bất động sản, thời gian vay tối thiểu từ 36 tháng đến 60 tháng.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, SHB cũng đã triển khai chương trình ưu đãi “Vay ưu đãi-Rồng phát tài” kéo dài đến ngày 31-12-2024 dành cho khách hàng cá nhân với tổng nguồn vốn 18.000 tỷ đồng. Khách hàng vay vốn ngắn hạn được áp dụng lãi suất ưu đãi từ 6,89%/năm, vay vốn trung, dài hạn được áp dụng lãi suất ưu đãi từ 5,99%/năm, thời gian vay vốn lên đến 25 năm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh chóng, tiện lợi, SHB áp dụng các chính sách linh hoạt, tối giản về hồ sơ thủ tục vay vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho khách hàng.
Anh Trần Mạnh Toàn (tổ 2, phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi đang cân nhắc vay vốn ngân hàng để xây nhà nên đã tìm hiểu thông tin các gói tín dụng tiêu dùng trung và dài hạn. Hạn mức cho vay, lãi suất ưu đãi như hiện nay thì tương đối dễ thở hơn các năm trước. Việc tiếp cận cũng thuận lợi hơn nếu khách hàng đáp ứng các điều kiện về lịch sử tín dụng, có tài sản đảm bảo”.
Còn ông Phạm Văn Thành (thôn Tây Hà, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) thì cho hay: “Ngân hàng cho vay phát triển sản xuất, cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp hơn vay bên ngoài nên tôi mạnh dạn đăng ký vay vốn”.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, mặc dù lãi suất huy động giảm nhiều nhưng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng. Tổng nguồn vốn huy động tại Gia Lai đạt 61.200 tỷ đồng, tăng 743 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Nguồn vốn dồi dào nhưng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp chậm do ảnh hưởng từ yếu tố mùa vụ sản xuất, hoạt động kinh tế kém sôi động so với thời điểm cuối năm 2023. Tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 115.500 tỷ đồng, giảm 1.104 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Đánh giá sơ bộ về tình hình hoạt động ngân hàng gắn với nhu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho rằng: “Các chi nhánh ngân hàng thương mại chủ động đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi để mở rộng cho vay, hỗ trợ khách hàng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống với mức lãi suất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng, góp phần hạn chế tình trạng cho vay lãi nặng”.