Tăng niềm tin vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã góp phần tăng thêm niềm tin của người lao động (NLĐ) vào chính sách BHTN cũng như việc tham gia BHTN, từ đó, góp phần phát triển đối tượng tham gia. Đó là khẳng định của ông Đào Duy Hiện - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam với Báo Đại biểu Nhân dân xung quang nội dung Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với NLĐ theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021.
Kịp thời, đúng lúc
Phóng viên: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24 về tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với NLĐ theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021. Xin ông cho biết, việc ban hành Nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào đối với NLĐ tham gia BHTN?
Ông Đào Duy Hiện: Chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN đã thể hiện sự quan tâm kịp thời, đúng lúc của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc chủ động hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với cả NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Với số lao động được hỗ trợ trên quy mô lớn, khoản hỗ trợ từ quỹ BHTN đã góp phần bù đắp một phần thu nhập, hỗ trợ NLĐ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống trong bối cảnh đặc biệt, cả nước đang gặp khó khăn, ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Điều này cũng góp phần chống đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động.
Kết quả thực hiện chính sách cho thấy, lao động nữ (đối tượng dễ bị tổn thương khi dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến việc làm và thu nhập của NLĐ) đã được quan tâm và hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, tổng số lao động nữ đã được chi trả hỗ trợ là hơn 7,1 triệu người (chiếm 55% số lao động đã được chi trả hỗ trợ) với số tiền đã hỗ trợ là gần 16.778 tỷ đồng (chiếm xấp xỉ 55% tổng số tiền đã chi hỗ trợ).
Chính sách còn là chỗ dựa cho NSDLĐ tham gia BHTN, giúp giảm chi phí, góp phần bảo đảm nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, giúp tạo và duy trì việc làm cho NLĐ trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và công bằng đối với NLĐ và NSDLĐ nhưng vẫn bảo đảm an toàn, cân đối quỹ BHTN sau khi thực hiện chính sách.
Phóng viên:Thủ tục chi trả gói hỗ trợ từ quỹ BHTN theo Nghị quyết số 24 được triển khai ra sao? Trong quá trình triển khai, ngành BHXH Việt Nam có gặp phải khó khăn gì không, thưa ông?
Đối tượng thụ hưởng lần này dự kiến là 414.000 lao động, tương đương với số tiền hỗ trợ khoảng 1.155 tỷ đồng. Trên cả nước, Hà Nội có số lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 lớn nhất, ước tính khoảng 112.248 lao động với số tiền hỗ trợ khoảng 322,509 tỷ đồng; đứng thứ hai là TP. Hồ Chí Minh ước tính khoảng 102.922 lao động với số tiền hỗ trợ khoảng 280,755 tỷ đồng.
Ông Đào Duy Hiện: Thủ tục hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ này sẽ do cơ quan BHXH thực hiện dưới hình thức gửi danh sách đến đơn vị SDLĐ để NLĐ đối chiếu thông tin và cập nhật số tài khoản cá nhân nhận tiền hỗ trợ.
Đối với người đã nghỉ việc có thời gian tham gia BHTN được bảo lưu thì lập mẫu số 4 ban hành kèm theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg và nộp tại bất kỳ cơ quan BHXH cấp tỉnh hoặc cấp huyện nào trên toàn quốc để được giải quyết và tất cả danh sách NLĐ thuộc đối tượng hỗ trợ đã được tiếp nhận trước ngày 25/12/2021, như vậy sẽ có nhiều thuận lợi so với đợt đầu thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15.
Tuy nhiên, sau một thời gian đăng ký địa chỉ nhận hỗ trợ (số tài khoản cá nhân, số điện thoại) đã có một số NLĐ thay đổi thông tin cá nhân, do đó, dẫn đến việc không liên lạc được hoặc không chuyển được tiền hỗ trợ. BHXH Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo phối hợp với đơn vị SDLĐ thông tin đến NLĐ để giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ được chính xác, đầy đủ.
Minh bạch, hiệu quả và đúng đối tượng
Phóng viên: Được biết, thời hạn thực hiện chi trả gói hỗ trợ NLĐ hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/9/2022. BHXH Việt Nam đã, đang và sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp gì để thực hiện chi dứt điểm gói hỗ trợ cho đối tượng hưởng một cách nhanh nhất, sớm nhất? Tính đến nay, việc chi trả hỗ trợ đã đạt kết quả như thế nào và dự kiến ngành BHXH Việt Nam có “về đích” trước thời hạn Chính phủ đề ra hay không, thưa ông?
Ông Đào Duy Hiện: Ngay sau khi Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 được thông qua; BHXH Việt Nam đã kịp thời có Văn bản số 2216/BHXH-CSXH ngày 12/8/2022 chỉ đạo BHXH các tỉnh và thành phố về triển khai tổ chức Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15. Ngay lập tức, BHXH các tỉnh và thành phố huy động mọi nguồn lực để bảo đảm việc thực hiện chi trả kịp thời, đúng quy định.
Các trường hợp có vướng mắc như trùng mã số BHXH, trùng thông tin nhân thân, có nhiều quá trình đóng BHTN thì phải nhanh chóng, phối hợp với các Phòng nghiệp vụ của BHXH tỉnh hoặc với BHXH các tỉnh, thành phố khác để điều chỉnh thông tin như về thân nhân, thời gian đóng BHTN trước khi chi trả hỗ trợ, bảo đảm thời hạn theo quy định của Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15.
Trên nền tảng công nghệ thông tin và kho dữ liệu hiện có của ngành, BHXH Việt Nam đã nhanh chóng định danh chính xác người hưởng, đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng vào Quỹ BHTN. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của BHXH các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 28/8/2022, ngành BHXH đã chi trả cho 345.000 NLĐ, với tổng số tiền là 980 tỷ đồng.
Phóng viên: Xin ông cho biết, việc chi trả trong một thời gian ngắn như vậy, ngành BHXH Việt Nam đã làm gì để bảo đảm việc triển khai chính sách này một cách minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng được hưởng?
Ông Đào Duy Hiện: Thời gian chi trả ngắn nhưng thuận lợi là BHXH Việt Nam đã có hệ thống cơ sở dữ liệu, kết hợp với việc nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của NLĐ, của đơn vị SDLĐ từ tháng 12/2021, nên đã có thời gian rà soát, đối chiếu với quy định đối tượng được hỗ trợ tại Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, ngoài ra, còn thực hiện công khai thông tin danh sách NLĐ thuộc đối tượng được hỗ trợ trên trang thông tin điện tử của cơ quan BHXH cấp tỉnh.
Trong quá trình chi trả hỗ trợ cho NLĐ, được thực hiện chủ yếu thông qua tài khoản cá nhân của NLĐ (tỷ lệ số người được chi trả hỗ trợ qua tài khoản cá nhân chung cả nước đạt trên 99%). Trường hợp NLĐ chưa có tài khoản cá nhân, cơ quan BHXH hướng dẫn NLĐ và đơn vị sử dụng lao động hỗ trợ mở tài khoản cá nhân cho NLĐ. Những trường hợp còn lại do cơ quan BHXH thực hiện chi trả trực tiếp cho NLĐ.
Vì vậy, đã bảo đảm được tính minh bạch, hiệu quả, chính xác đối tượng thụ hưởng cũng như số tiền chi trả, không để xảy ra hiện tượng lạm dụng chính sách, phiền nhiễu hay tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong toàn ngành BHXH.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!