Tăng phi mã, cà phê vượt mức 87.000 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (5/3) trong khoảng 86.200 - 87.100 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Giá cà phê thế giới vẫn còn những lo ngại nguồn cung từ các quốc gia châu Á chậm trễ vì vấn đề hàng hải quốc tế, trong khi thời tiết ở các vùng sản xuất chính ở Brazil vẫn thất thường.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 86.200 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 87.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk), giá cà phê được thu mua cùng mức 86.900 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 87.100 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 87.000 đồng/kg ở Đắk R'lấp. Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 86.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Ia Grai cùng giá 86.700 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 86.700 đồng/kg.
Giá cà phê tăng liên tục và vượt mức 87.000 đồng khiến người trồng cà phê phấn khởi. Đây là mức giá cao kỷ lục của mặt hàng này. Theo tính toán sơ bộ, trung bình 1 ha đạt năng suất cao nhất 3,8 tấn, tính với giá khoảng 85.000 đồng/kg hiện nay thì sẽ đạt doanh thu 323 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí, người trồng cà phê có thể thu về lợi nhuận hơn 220 triệu đồng/ha.
Đặc biệt hiện nay, nhu cầu của thế giới với cà phê Robusta Việt Nam rất lớn, đây là nguyên nhân dẫn đến giá cà phê trong nước tăng cao so với nhiều năm trong lịch sử. Người nông dân trồng cà phê thu về lợi nhuận cao hơn.
Về giá cà phê tăng liên tục thời gian qua, chuyên gia nhận định, một phần đến từ nguồn cung, khi sản lượng ước giảm khoảng 10%. Một số hộ dân chuyển sang trồng sầu riêng nên diện tích giảm. Một số doanh nghiệp nhập thêm hàng từ nước khác để đảm bảo nguồn cung xuất khẩu, chủ yếu là doanh nghiệp FDI.
Cùng với đó, một nguyên nhân cũng khiến giá cà phê tăng là một số sản phẩm cà phê nhân được sử dụng rang xay làm hòa tan trong nước, nên nhu cầu nội địa tăng.
Tổng Giám đốc Simexco Daklak Lê Đức Huy thông tin trên báo chí, ước tính, lượng cà phê trong dân còn rất thấp, tình trạng này ngược so với mọi năm. Thông thường phải tới tháng 6, nguồn hàng mới cạn nhưng đến nay mới hết tháng 2 đã có dấu hiệu gần cạn hàng.
Tổng cục Thống kê Việt Nam ước báo xuất khẩu cà phê trong tháng 2 chỉ đạt 160.000 tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước, đã khiến thị trường tiêu thụ toàn cầu lo lắng thiếu hụt nguồn cung, trong bối cảnh tồn kho sàn London vẫn còn quanh quẩn ở mức thấp kể từ 2014.
Trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2024 tăng 46 USD/tấn, ở mức 3.189 USD/tấn, giao tháng 7/2024 tăng 48 USD/tấn, ở mức 3.105 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 tăng 3,6 cent/lb, ở mức 186,9 cent/lb, giao tháng 7/2024 tăng 3,1 cent/lb, ở mức 184,5 cent/lb.
Giá cà phê 2 sàn cùng tăng trong bối cảnh đồng USD giảm nhẹ và vàng tăng vọt. Giá cà phê thế giới vẫn còn nguyên lo ngại nguồn cung từ các quốc gia châu Á chậm trễ vì vấn đề hàng hải quốc tế, trong khi thời tiết ở các vùng sản xuất chính ở Brazil vẫn thất thường.