Tăng số lượng biển số 9999, 8888 bán đấu giá để tăng thu ngân sách
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đặt vấn đề tăng số lượng biển số như 9999, 99999; 8888 hoặc 88888 đưa vào đấu giá để tăng thu ngân sách.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều ĐBQH góp ý về việc cấp biển số bằng hình thức ngẫu nhiên và qua đấu giá.
Biển số như thế nào thì được đấu giá?
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị nên quan tâm đến 2 loại biển số và giao cho Bộ Công an quy định về biển số. Vì thực tế hiện nay, biển số nào đẹp, biển số nào phù hợp, lực lượng công an nắm rất rõ.
Tuy nhiên, ĐB cũng lưu ý, loại số ngẫu nhiên thì rất là dễ, còn loại số đấu giá phải có quy định trong đấu thầu.
“Tôi kiến nghị là có nên hay không việc tăng số lượng biển số mà có nhu cầu, ví dụ như 9999, hoặc 99999 hoặc là 8888, hoặc 88888. Vì nhu cầu người dân có thì mình có thể tăng biển số này để tăng thu nhập trong duy trì ngân sách. Vì có thể đấu giá biển số 48A, 48B và 48C có thể tăng lên 10 số chẳng hạn. Như vậy sẽ tăng thu nhập trong ngân sách quốc gia”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương gợi ý, cần phải xác định như thế nào là biển số đẹp để đưa vào đấu giá chống gian lận.
Ông cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định ban hành thực hiện đấu giá biển số xe bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn biển số xe cơ giới thích hợp, đáp ứng nhu cầu chính đáng của bộ phận người dân, đồng thời phải đảm bảo công tác quản lý của Nhà nước.
Cùng mối quan tâm, ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho rằng, xuất phát từ 2 hình thức cấp biển số đấu giá và ngẫu nhiên sẽ khác nhau về nhiều phương diện, về tài sản công, tài sản cá nhân, có bị thu hồi hay không bị thu hồi.
"Nội dung này cần được đánh giá về nhu cầu, về điều kiện để tổ chức thực hiện, về tác động mà việc thực hiện cấp biển số xe đem lại cho hiệu quả quản lý, nhu cầu người dân trong xã hội”, ĐB Ngân nói.
ĐB cũng băn khoăn về việc biển số như thế nào thì được thực hiện đấu giá, tiêu chí nào xem là biển số đẹp; biển số dạng nào thì thực hiện cấp số ngẫu nhiên; biển số xe được đưa ra bán đấu giá nhưng không bán được thì sẽ xử lý ra sao, điều kiện của người tham gia đấu giá…
“Đây là những vấn đề đặt ra cần được làm rõ để có được cái nhìn toàn diện về một nội dung mới có tác động đến đời sống xã hội và trật tự quản lý”, nữ ĐB tỉnh Bắc Kạn lưu ý.
Phải coi biển số xe là tài sản mới tổ chức đấu giá được
Ngoài ra, bà Ngân cũng đề cập đến quy định đấu giá biển số được thực hiện thông qua các công ty đấu giá chuyên nghiệp, hoạt động độc lập theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản thì tổ chức đấu giá tài sản gồm Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản. Trong khi dự luật chưa thể hiện điều này.
Do vậy, ĐB tỉnh Bắc Kạn cho rằng, lý do việc Chính phủ dự kiến giao trực tiếp cho công ty đấu giá chuyên nghiệp mà không phải là giao cho tổ chức đấu giá tài sản chưa được làm rõ.
ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cũng nhấn mạnh, khi đấu giá biển số xe theo Luật Đấu giá tài sản thì có nghĩa rằng phải coi biển số xe là tài sản thì mới tổ chức đấu giá được.
“Như kinh nghiệm ở nước ngoài, hôm trước thảo luận tổ tôi cũng đã nêu rồi, việc đấu giá biển số xe đối với nước ngoài là khi bán xe người ta tháo biển mang đi, khi mua xe mới là lắp vào.
Vì vậy, ĐB cho rằng, nếu không coi biển số là tài sản thì làm sao áp dụng được và đề nghị cần phải có những quy định cụ thể.
Ngoài ra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng lưu ý, thế nào là biển số đẹp, nếu như không quy định cụ thể vấn đề này sẽ thành một câu chuyện tranh cãi.
“Bởi vì, thực tế đã có những biển tôi thích như trùng với ngày tháng năm sinh của tôi, tôi xin biển đó nhưng thực tế là không đẹp, nhưng tôi thích số đó, vậy xử lý trong tình huống đó như thế nào, tôi nghĩ rằng cần phải có quy định cụ thể”, ĐB tỉnh Ninh Thuận nói.
Cần quy định rõ trường hợp nào bấm còi 1 tiếng, 2 tiếng, ngắn hay dài
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) quan tâm đến văn hóa giao thông qua tiếng còi xe. Vì vậy, ĐB dẫn Điều 26 của dự thảo luật quy định: "Còi xe chỉ sử dụng khi báo hiệu tránh tai nạn giao thông, báo hiệu chuẩn bị vượt xe vào ban ngày, sử dụng còi xe không phù hợp sẽ gây khó chịu cho người khác, có thể xảy ra ẩu đả".
Theo ông, trong thực tiễn giao thông chúng ta sử dụng còi xe khá nhiều. Vì vậy, chúng ta cũng cần quy định rõ sử dụng một tiếng còi ngắn, 2 tiếng còi ngắn, một tiếng còi dài, 2 tiếng còi dài trong những trường hợp nào để chúng ta sử dụng giao thông về thiết bị còi cho phù hợp.
ĐB tỉnh Bình Định cũng đề cập đến Điều 54, quy định về trách nhiệm người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra tai nạn giao thông, có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu.
ĐB cho rằng, trong nhiều lý do họ không giúp đỡ người bị nạn, đó là họ ngại bị liên quan về pháp lý, thời gian đi lại lấy lời khai và bị người nhà của người bị nạn hành hung.
Vì vậy, để khuyến khích và bảo vệ người làm việc tốt, ĐB cho rằng, luật cần quy định xử lý trách nhiệm người xúc phạm, hành hung người giúp đỡ người bị nạn, giúp đưa người bị nạn đến bệnh viện, phương tiện của người giúp đỡ người bị nạn không bị tạm giữ. Việc lấy lời khai của người giúp đỡ người bị nạn được lấy tại nơi lưu trú, nơi làm việc hoặc theo yêu cầu của người giúp đỡ người bị nạn.