Tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế: Nguồn lực và động lực đổi mới

Kế hoạch cho một giai đoạn mới đòi hỏi cả các nhà lập pháp cũng như hành pháp phải 'mới' hơn, linh hoạt hơn.

LTS: Ba trụ đỡ của nền kinh tế sáng tạo là VỐN, THỂ CHẾ, NHÂN LỰC đều phải được gia cố để tận dụng thời cơ đưa đất nước bứt phá... Đặc biệt, đổi mới sáng tạo là tiềm năng không bị giới hạn, vì thế cần coi đây là động lực cốt lõi làm tiền đề cho sự phát triển trong điều kiện mới.

Giới thiệu sản phẩm sáng tạo công nghệ cao tại Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Huế

Giới thiệu sản phẩm sáng tạo công nghệ cao tại Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Huế

Việc đánh giá đúng thực trạng tình hình kinh tế - xã hội đất nước từ đầu năm đến nay và dự báo cả năm 2020 sẽ là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng và triển khai thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tạo đà và góp phần quan trọng bước đầu cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Thích nghi

Tăng trưởng kinh tế trong dài hạn phụ thuộc vào ba yếu tố lao động, vốn và công nghệ. Nhưng khi tiết kiệm thì thấp, độ mở của thị trường vốn còn hạn chế, các kênh đầu tư chưa đa dạng, khoa học tụt hậu, năng lực nâng cấp nguồn nhân lực chưa sẵn sàng, thì những hiệp định thương mại tự do chỉ mang lại lợi ích kinh tế ngắn hạn, còn trong dài hạn lại là nguy cơ cho ngành sản xuất trong nước.

Một nền kinh tế với dư nợ lớn lại phụ thuộc vào nguồn cung cấp tín dụng mới, mà thiếu nó, các doanh nghiệp phụ thuộc vào vay mượn sẽ phải dừng đầu tư và trong một số trường hợp sẽ phải đóng cửa. Chính vì vậy, nhu cầu tự do hóa thị trường vốn hơn nữa; một thị trường chứng khoán, trái phiếu phát triển tương xứng với nhu cầu nâng cấp nền kinh tế là điều cần kíp, để đạt được mức phát triển nhanh, bền vững.

Hiệu quả thích nghi ở góc độ vi mô là cần thiết, nhưng điều kiện để nâng cao được hiệu quả thích nghi là sự phát triển của thị trường VỐN, lại là vấn đề vĩ mô. Hiện doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ chiếm 0,5% trên tổng số doanh nghiệp trong nước, nhưng lại chiếm đến hơn 28% tổng nguồn vốn cả nước, nhưng chỉ tạo ra khoảng 10% việc làm trên hơn 55 triệu việc làm. Như vậy, đóng góp của DNNN vào phát triển kinh tế là còn khiêm tốn so với các "ưu đãi" và các "đặc quyền" chính sách có được, không muốn nói hiện là trở lực cho cải cách.

Nhìn ở góc độ khác, nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại hai vấn đề bất cân đối, làm méo mó vĩ mô: thứ nhất là thâm dụng vốn rất lớn ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhưng lại không tạo ra việc làm và giá trị đổi mới tương xứng. Thứ hai là thâm dụng lao động ở khu vực tư nhân nhưng thiếu vốn; thành ra dù tạo ra nhiều việc làm, nhưng lương thấp và có xu hướng sử dụng những công nghệ không thân thiện với môi trường.

Giải pháp là “đổi mới sáng tạo”

Hiệu quả thích nghi rất quan trọng vì thế giới liên tục thay đổi, không đứng yên. Nhưng các thể chế thay đổi và bắt kịp rất chậm, vì vậy doanh nghiệp sẽ luôn chịu rủi ro.

Vi mô nằm trong vĩ mô, và như vậy, sự sáng tạo nỗ lực phát triển của doanh nghiệp là bị giới hạn bởi sự giới hạn phát triển của nền kinh tế lớn. Nói cách khác, một nền kinh tế yếu kém thì không thể có một doanh nghiệp tầm cỡ thế giới.

Hiệu quả thích nghi là một thế giới khuyến khích phương pháp thử - sai, tạo ra các định chế tổ chức mới và sau đó loại bỏ những gì không còn phù hợp, và như vậy phải phát triển được thị trường vốn; trong đó có thị trường vốn đầu tư mạo hiểm phát triển mới là bệ phóng tốt cho hoạt động sáng tạo đổi mới kinh doanh.

Phải có thị trường vốn đầu tư mạo hiểm phát triển mới có thể thúc đẩy hoạt động Sáng tạo Đổi mới, phát triển thị trường mua bán bằng phát minh sáng chế, R&D... Và càng không phải đến từ nguồn vốn tài trợ của nhà nước.

Không có thị trường vốn Đầu tư mạo hiểm phát triển, không thể thúc đẩy kinh tế Sáng tạo Đổi mới thực sự. Chính vì vậy, đổi mới phải luôn dựa vào hai yếu tố: Nguồn lực và Động lực đổi mới. Nếu thiếu một trong hai yếu tố đó, quá trình Đổi mới sẽ không thể thành công.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII đã xác định các mục tiêu cụ thể, hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước. Đó là, đến năm 2025: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo DDDN

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tang-suc-canh-tranh-cho-nen-kinh-te-nguon-luc-va-dong-luc-doi-moi-581047.html