Tăng sức cạnh tranh trong xuất khẩu lâm sản

Năm 2025, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 18 tỷ USD. Trong bối cảnh ngày càng nhiều thị trường quốc tế ban hành quy định về nông sản hợp pháp, trong đó có lâm sản, các doanh nghiệp cần tăng cường quản trị chuỗi cung ứng gắn với tiêu chuẩn sản xuất xanh, bền vững để giảm rủi ro thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng.

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần gỗ Minh Dương (Bình Dương). (Ảnh VŨ HOÀNG)

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần gỗ Minh Dương (Bình Dương). (Ảnh VŨ HOÀNG)

Năm 2025, Hoa Kỳ dự kiến áp dụng nhiều chính sách bảo hộ kinh tế cứng rắn. Hiện Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN.

Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Riêng mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, Việt Nam xuất khẩu hơn 50% tổng kim ngạch sang thị trường này. Do vậy, những thay đổi sẽ đặt ra nhiều thách thức lớn buộc ngành gỗ Việt Nam phải đối mặt, cạnh tranh trực tiếp từ sản phẩm nội địa Hoa Kỳ và hàng hóa từ các quốc gia khác. Đồng thời, các rủi ro thương mại và áp thuế trừng phạt có thể bị áp dụng nếu sản phẩm không đáp ứng tốt về truy xuất nguồn gốc.

Liên minh châu Âu (EU) - thị trường lớn luôn duy trì đà tăng trưởng hai con số với ngành gỗ cũng đang đặt ra nhiều chính sách thương mại gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Một trong những thay đổi chính sách đó là Quy định không gây mất rừng (EUDR) vừa được gia hạn hiệu lực, áp dụng vào cuối năm 2025.

Trên cục diện rộng hơn, đó là khả năng xảy ra “chiến tranh thương mại” trên thế giới, nếu có, sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường xuất khẩu. Do vậy, việc đưa ra các giải pháp để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ trở thành vấn đề quan trọng cho doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản.

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định: Thời cơ và thách thức đối với ngành gỗ sẽ đan xen khi đứng trước những diễn biến mới của các thị trường xuất khẩu. Việc EU lùi thời gian áp dụng EUDR (đến ngày 30/12/2025 đối với các công ty lớn, ngày 30/6/2026 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa) tạo thêm thời gian cho doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị.

Đây là thuận lợi đáng kể, nhất là tại thời điểm nhiều khó khăn như hiện nay. Bên cạnh đó, những thay đổi về chính sách của Hoa Kỳ hay xu hướng tiêu dùng xanh của các thị trường lớn cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản khi đáp ứng tốt nhu cầu về vật liệu xây dựng và nội thất bền vững.

Cơ hội từ sự dịch chuyển sản xuất và thương mại toàn cầu cùng sự đầu tư vào chuyển đổi số, quản trị chuỗi cung ứng và phát triển bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp thích nghi với các thay đổi của thị trường, mà còn mở ra cánh cửa vươn tới những thị trường tiềm năng trong thời gian tới.

Mỗi năm, Việt Nam khai thác gỗ rừng trồng khoảng 22-23 triệu m3 và hiện đã có hơn 500.000 ha rừng được cấp chứng chỉ bền vững. Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 1 triệu héc-ta rừng trồng có chứng chỉ bền vững.

Cục trưởng Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Trần Quang Bảo cho biết: Bên cạnh việc xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại, ngành gỗ và lâm sản cần quan tâm hơn và đầu tư vào vùng nguyên liệu. Cụ thể, cần phát triển nhiều hơn diện tích rừng trồng gỗ lớn, rừng được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC).

Hiện nay, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm đang phối hợp các đơn vị thực hiện thí điểm việc cấp mã số vùng trồng rừng tại một số tỉnh phía bắc, tiến tới mở rộng ra toàn quốc. Các mã số này là nền tảng phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gỗ thích ứng các yêu cầu quốc tế cũng như phát triển phương pháp đo đếm, báo cáo và thẩm định để xác định khả năng hấp thụ, lưu trữ carbon rừng trồng.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFOREST Ngô Sỹ Hoài khẳng định, năng lực cạnh tranh là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Trong quản trị, các chính sách thúc đẩy chứng chỉ rừng bền vững đang được tăng cường nhằm bảo đảm tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Chính phủ phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc hiện đại, cho phép giám sát toàn diện từ khai thác, vận chuyển đến tiêu thụ.

Những nỗ lực của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lâm sản xuất khẩu mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh nhóm mặt hàng này trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu như sản xuất hàng hóa bảo đảm nguồn gốc hợp pháp, có mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch để đáp ứng yêu cầu của các quy định quốc tế.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan nhà nước để có giải pháp ứng phó kịp thời với chính sách bảo hộ thương mại của bên nhập khẩu. Đáng chú ý, việc xác nhận xuất xứ hàng hóa là công cụ quan trọng chống lại gian lận thương mại. Doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó các cuộc điều tra chống bán phá giá hoặc biện pháp phòng vệ thương mại, thông qua việc nâng cao năng lực pháp lý và cải thiện quản trị rủi ro; đồng thời phát triển hệ thống quản trị hiện đại, sản xuất xanh và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về môi trường để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

DŨNG MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-suc-canh-tranh-trong-xuat-khau-lam-san-post869177.html