Tăng sức chống chịu cho nền kinh tế
Nền kinh tế vừa đi qua quý đầu năm 2021 và để lại dấu ấn ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng như đầu tư, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp. Điều đó thể hiện sự hồi phục khá rõ, tạo tiền đề để tăng tốc nhanh hơn trong thời gian còn lại của năm 2021. Vấn đề cần đặt ra lúc này là tiếp tục duy trì sức chống chịu kết hợp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Quý I-2021, xuất khẩu của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, xuất siêu đạt 2 tỷ USD. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Giày Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: TTXVN
Giữ đà tăng trưởng
Theo Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Lê Trung Hiếu, mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 4,48% của quý I-2021 đã cho thấy sức chống chịu, thích nghi cao của nền kinh tế. Đặc biệt, dù gặp khó khăn nhưng xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng cao, liên tục và tạo ra vị thế xuất siêu 2 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp nhận thêm hơn 10 tỷ USD vốn đăng ký mới. Trong khi đó, lượng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong nước cũng đạt trên 447.000 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là đầu vào, tạo năng lực sản xuất mới, góp phần kích đẩy GDP tăng trưởng trong thời gian tới.
Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam là số ít quốc gia trên thế giới có tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Lần đầu tiên, Việt Nam lọt vào nhóm nền kinh tế có “Chỉ số tự do kinh tế trung bình” cho thấy tình hình tài chính trong nước được cải thiện. Song cần thẳng thắn nhìn nhận, nếu đánh giá cả giai đoạn qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhanh nhưng chưa bền vững, ít nhân tố đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Hoạt động đổi mới sáng tạo còn nhiều hạn chế và chưa phát huy, tận dụng được nhiều cơ hội phát triển từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ở tầm vi mô, báo cáo “Tác động của dịch Covid-19 với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đầu tháng 3-2021 cho thấy, chỉ có 11% doanh nghiệp “không bị ảnh hưởng”. Trong các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ, nhóm chiếm tỷ lệ hơn 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là khả năng chống chịu của nền kinh tế sẽ như thế nào nếu làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 trở lại, mà sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Sản xuất tôn tại Công ty TNHH Ngọc Dần (Cụm công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì). Ảnh: Nguyễn Quang
Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”
Thực tế, muốn đạt mục tiêu GDP tăng 6,5% trong năm 2021 thì nền kinh tế phải có sự bứt phá rõ rệt trong thời gian từ nay đến hết năm. Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3-2021, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; chú trọng thực hiện đồng bộ giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng. Về một số giải pháp cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế “hộ chiếu vắc xin” tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch; tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ, tạo điều kiện lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa; tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên…
Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc ứng phó linh hoạt với diễn biến thực tế như đã làm tốt trong giai đoạn qua, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, trước mắt tiếp tục tận dụng một số dư địa về cải cách trong các lĩnh vực quan trọng gồm tín dụng, thuế, thủ tục hành chính; thực hiện quản lý thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Trong khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ chỉ mang tính ngắn hạn do dư địa tài khóa không nhiều thì cải thiện môi trường kinh doanh chính là nền tảng để doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Đi cùng với đó là thực hiện các gói kích cầu, phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp - người tiêu dùng để hình thành chuỗi cung ứng Việt.
Để “góp gió thành bão”, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra một số động lực, như tận dụng lợi thế do các hiệp định thương mại tự do mang lại, nhằm đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo. 2 triệu hộ kinh doanh cũng là nguồn lực có thể huy động, đóng góp cho tăng trưởng GDP nếu có chính sách, cách vận động và giải pháp phù hợp. Ngoài ra, ưu tiên cao nhất là hỗ trợ người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức, tiếp đến là các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp, như giảm mức thu các loại phí, lệ phí dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang được thực hiện, Việt Nam kiên trì với những cải cách dài hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. “Mô hình tăng trưởng đổi mới theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; hỗ trợ thỏa đáng đối với khu vực tư nhân… Việc đổi mới mô hình tăng trưởng để tăng sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế là định hướng hiện nay cũng như giai đoạn tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/996160/tang-suc-chong-chiu-cho-nen-kinh-te