Tăng sức mạnh, hiệu quả đảm bảo trật tự an toàn giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông
Với rất nhiều điểm mới, dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an vừa được ban hành lấy ý kiến sẽ góp phần chuẩn hóa hoạt động của lực lượng CSGT; làm tăng hiệu lực, hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của lực lượng CSGT trong giai đoạn Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Trang bị vũ khí, tăng tính trấn áp vi phạm
Dư luận đánh giá việc Bộ Công an hoàn tất dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT là kịp thời, phù hợp với tình hình hiện nay. Dự thảo Thông tư gồm 3 Chương, 16 Điều. Để góp phần hoàn thiện hơn nữa những nội dung của dự thảo, dự thảo đang được đưa ra lấy ý đóng góp rộng rãi của nhân dân tới ngày 2-12-2019. Dự thảo sẽ thay thế Thông tư 01/2016. So với quy định hiện hành ở Thông tư 01/2016, dự thảo có một số quy định được thay đổi, bổ sung.
Một trong những nội dung hết sức quan trọng trong dự thảo đó chính là CSGT được trang cấp súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu son, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8. Mục đích của việc trang bị này nhằm giúp cho lực lượng CSGT, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm ANTT, TTATXH trên tuyến, địa bàn giao thông, góp phần bảo đảm sự bình yên của xã hội.
Đánh giá của Cục CSGT cho thấy, việc đề xuất trang bị súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn là phù hợp với các quy định của pháp luật vì theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Công an nhân dân; Nghị định số 79/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Thông tư số 17/2018 của Bộ Công an quy định trang bị vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì lực lượng Công an nhân dân được trang bị, sử dụng một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ. Như vậy quy định này của dự thảo Thông tư chỉ để cụ thể hóa trong Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trên thực tế, trong thời gian qua, tình hình tội phạm có những diễn biến phức tạp. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, nhất là tội phạm hình sự, ma túy diễn ra với tính chất ngày càng manh động, mức độ cao. Quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, cùng với các đơn vị khác của Bộ Công an, lực lượng CSGT đã tấn công, trấn áp, bắt giữ hàng trăm đối tượng tội phạm, trong đó có những đối tượng tội phạm manh động, nguy hiểm, sẵn sàng dùng vũ khí chống trả lại lực lượng bắt giữ. Đã có nhiều đồng chí CSGT bị thương, hy sinh trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây cũng là một trong những lý do để dự thảo Thông tư đưa vào nội dung này, nhằm tăng tính trấn áp, sức mạnh của lực lượng CSGT.
Không phải chào tội phạm, say rượu, có hành vi thiếu văn hóa
Đây là một trong những điểm mới của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 01/2016. Theo đó, sau khi ra hiệu lệnh và xe cần kiểm soát đã dừng đúng vị trí, CSGT được phân công làm nhiệm vụ đứng ở vị trí an toàn thông báo cho người đi xe thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xuống xe và xuất trình các loại giấy tờ theo quy định. Khi người lái xuống xe, CSGT làm nhiệm vụ kiểm tra phải thực hiện động tác chào theo Điều lệnh CAND, trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã hoặc có hành vi thiếu văn hóa, sử dụng rượu bia, chất kích thích khác.
Sau khi chào theo điều lệnh, CSGT chào và đưa ra yêu cầu kiểm soát bằng lời nói: “Chào ông (bà, anh, chị…), yêu cầu ông (bà, anh, chị...) cho chúng tôi kiểm soát các loại giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện”. Khi tiếp nhận các loại giấy tờ, CSGT phải thông báo cho người điều khiển và những người trên xe biết lý do kiểm soát, sau đó thực hiện kiểm soát những nội dung theo quy định. Khi kiểm soát xong, CSGT phải thông báo cho người điều khiển, những người trên xe biết kết quả, hành vi vi phạm, biện pháp xử lý và nói: “Cảm ơn ông (bà, anh, chị,…) đã hợp tác với lực lượng CSGT để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.
Những nội dung này vốn chỉ được quy định trong các văn bản lưu hành nội bộ của lực lượng công an, không được phổ biến rộng rãi đến người dân. Trên thực tế, nhiều người dân khi tham gia giao thông gặp những trường hợp trên đã thắc mắc, thậm chí có những hành vi quy chụp mà không biết rằng, CSGT cũng là một lực lượng trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Cụ thể hóa và rộng rãi tuyên truyền những quy định trên đến người dân cũng góp phần để đấu tranh, ngăn chặn với những luận điệu phản động, vu cáo CSGT, và thể hiện tính văn minh, nghiêm minh của pháp luật.
Xây dựng luật chuyên sâu về trật tự an toàn giao thông đường bộ
Cùng với việc hoàn tất lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Thông tư trên, Bộ Công an vừa công bố dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật TTATGT đường bộ.
Đánh giá của Bộ Công an cho thấy, việc xây dựng Luật TTATGT đường bộ là cần thiết, bởi nhiều lý do. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát huy nhiều hiệu quả, tuy nhiên, từ kết quả của công tác quản lý, điều hành, kết quả rà soát các văn bản hiện hành có liên quan và thực tiễn đòi hỏi của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công an nhận thấy rằng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ còn những vấn đề bất cập nhất định. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ phù hợp với lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ, chưa có điều chỉnh chuyên sâu về trật tự, ATGT đường bộ.Trong khi đó, quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đang bị phân tán, chồng chéo, không có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT. Đặc biệt, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan GTVT với cơ quan CSGT chưa rõ ràng, rành mạch.
Bộ Công an đề xuất luật mới sẽ tách khỏi Luật Giao thông đường bộ 2008 đang thực thi 7 nhóm nội dung để đưa vào xây dựng Luật Trật tự ATGT gồm: Quy định cụ thể về hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe; quy định về đi đường bộ; thống nhất việc quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quy định cụ thể về tổ chức, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; quy định về giám sát việc thi hành pháp luật và trách nhiệm pháp lý; vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, ATGT...