Tăng thẩm quyền quyết định kịp thời những vấn đề phát sinh
Nguyễn Ngọc Thái - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng NamTheo chương trình nghị sự, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội Khóa XV sắp tới sẽ quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, trong đó, có Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); một trong những nội dung có sự sửa đổi, bổ sung là quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND, tạo căn cứ pháp lý để Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định kịp thời các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND.
Yêu cầu từ thực tiễn
Chỉ còn hơn một năm nữa kết thúc nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND các cấp. Trong nhiệm kỳ này, với việc thực hiện các văn bản pháp luật mới, đặc biệt là Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019), vai trò, vị thế của HĐND đã được khẳng định, hiệu lực, hiệu quả hoạt động cũng được nâng lên rõ rệt. HĐND đã thể hiện rõ vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cũng như giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của các cơ quan, đơn vị ở địa phương.
Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc từ các quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động của HĐND các cấp, trong đó có quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND. Mặc dù Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đều ghi rõ: "Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND", nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND theo Điều 104 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa tương xứng, nhất là thẩm quyền trong giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp.
![Một phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T. Ngọc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_592_51430355/139592a3a8ed41b318fc.jpg)
Một phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T. Ngọc
Bên cạnh đó, theo Điều 1, Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số hoạt động của HĐND, việc xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND phải được tiến hành tại kỳ họp HĐND. Điều đó đã gián tiếp khẳng định Thường trực HĐND không có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và cũng không có quy định ủy quyền, giao quyền, phân công để Thường trực HĐND thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của HĐND. Điều này dẫn đến trường hợp khi xuất hiện các tình huống khẩn cấp về thiên tai, dịch bệnh… cần có những quyết sách của HĐND để UBND có căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện sẽ bị chậm trễ.
Trên thực tế điều này đã xảy ra; trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 một số biện pháp phòng, chống dịch triển khai chưa kịp thời phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả chống dịch (thời gian đầu, khi mới xảy ra dịch). Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất để giải quyết vướng mắc này. Bên cạnh đó, việc hạn chế thẩm quyền của Thường trực HĐND đã làm tăng số lượng kỳ họp HĐND lên rất nhiều (nhất là ở cấp tỉnh). Chỉ riêng tại Quảng Nam, nếu nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh Quảng Nam tổ chức 24 kỳ họp thì từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay đã tổ chức 29 kỳ họp.
Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển
Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND được quy định tại Điều 26 gồm 13 khoản (nhiều hơn Luật hiện hành 03 khoản). Đáng chú ý là các nội dung được bổ sung tại khoản 1 :"Thảo luận và quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ được HĐND cùng cấp giao" và khoản 13 :"Trong thời gian HĐND không họp, Thường trực HĐND được quyết định các nội dung sau đây và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất:
a) Biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn;
b) Điều chỉnh dự toán, phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hàng năm".
Những quy định này rất phù hợp với thực tiễn, tạo căn cứ pháp lý để Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định kịp thời các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND. Qua đó, nâng cao hiệu lực hoạt động của Thường trực HĐND, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ngoài các nội dung như dự thảo Luật, cũng cần nghiên cứu để quy định thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND trên một số lĩnh vực. Đơn cử, Điều 71 Luật Đầu tư công năm 2024 quy định: "HĐND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách địa phương trong các trường hợp sau đây:
a) Do điều chỉnh mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
b) Do thay đổi đột biến về cân đối thu ngân sách địa phương hoặc khả năng huy động các nguồn vốn của địa phương;
c) Do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hàng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương."
Có thể bổ sung nhiệm vụ này cho Thường trực HĐND xem xét, quyết định về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương.