Tăng thu ngân sách, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường
Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh Hưng Yên đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực. Trong đó, nhấn mạnh đến các giải pháp đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Nuôi dưỡng, khai thác các nguồn thu mới
Theo ghi nhận tại kỳ họp, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 ước đạt 33.100 tỷ đồng, bằng 144% dự toán HĐND tỉnh giao. Nhìn chung các chỉ tiêu về thu ngân sách đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, có 11/15 khoản thu hoàn thành và vượt dự toán giao, như: thu từ khu vực ngoài quốc doanh ước đạt 14.750 tỷ đồng, (đạt 347,1% dự toán và tăng 186,7% so với cùng kỳ); thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 125% dự toán (bằng 113,8% so với cùng kỳ); thu từ tiền thuê đất ước đạt 362,3% so với dự toán.
Theo đó, thu ngân sách năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt cao so với dự toán và tăng trưởng lớn so với cùng kỳ do một số dự án lớn đóng tiền thuê đất nộp một lần. Đơn cử, như: Công ty TNHH KCN Thăng Long II và Công ty TNHH Phát triển hạ tầng KCN Hòa Phát Hưng Yên nộp 541,7 tỷ đồng; một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh lớn trên địa bàn tỉnh duy trì số thu tăng cao; Dự án khu đô thị Dream City nộp được 10.600 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, mặc dù các sắc thu chiếm tỷ trọng lớn chủ yếu do yếu tố đột biến, không bền vững. Vì vậy, để duy trì thu ngân sách tăng trưởng hàng năm được bền vững thì việc thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh vẫn là yếu tố then chốt cần hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện.
Bên cạnh những sắc thu cao so với dự toán giao, các đại biểu HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh, vẫn còn một số sắc thu dự kiến hết năm 2023 không bảo đảm kế hoạch đề ra. Có thể kể đến sắc thu thuế từ khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương ước chỉ đạt 78,6% do một số doanh nghiệp trọng điểm có số nộp giảm. Sắc thu tiền sử dụng đất đạt thấp (ước đạt 92,8%) do tình hình thị trường bất động sản trầm lắng dẫn đến triển khai các dự án lớn, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất rất khó khăn. Sắc thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 53,5% dự toán do thực hiện Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ, nhờn kể từ ngày 1.1.2023.
Các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị, thời gian tới, UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo khai thác tiềm năng, phát triển nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh. Đồng thời, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu thực hiện vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024. Tăng cường giải pháp huy động nuôi dưỡng nguồn thu và khai thác các nguồn thu mới. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy các khoản thu từ đất; nâng cao hơn nữa công tác thu thuế bảo vệ môi trường, thu lệ phí trước bạ và thu thuế từ khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung ương... Ngoài ra, cần tăng cường giải pháp thu hồi nợ đọng thuế; tăng tần suất thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, gian lận thuế..., nhất là trong lĩnh vực bất động sản, khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, vi phạm, trốn thuế và động viên kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu cũng nhấn mạnh, những năm gần đây, Hưng Yên đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực; nhất là kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng tạo ra áp lực lớn lên môi trường. Trong đó, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Nhất là, tình trạng đổ, đốt rác gây ô nhiễm còn diễn ra thường xuyên; việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình chưa đạt yêu cầu; đầu tư lò đốt rác thải còn chậm; còn 2 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa hoàn thành xử lý triệt để theo Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 22.4.2003 của Thủ tướng Chính phủ; hầu hết nước thải sinh hoạt dân cư nông thôn chưa được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn...
Các đại biểu đề nghị, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, đề án của tỉnh về công tác bảo vệ môi trường; triển khai các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt, cơ chế đầu tư xây dựng, tổ chức vận hành, thu phí dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải; đánh giá hiệu quả của từng mô hình để làm cơ sở triển khai các công trình xử lý nước thải trên địa bàn... Trước mắt, ưu tiên, tập trung đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư xả nước thải trực tiếp ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Đồng thời, khẩn trương xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải tại các cơ sở y tế công lập đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị, tỉnh quan tâm hỗ trợ, đôn đốc, yêu cầu các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu xử lý chất thải trên địa bàn các huyện Khoái Châu, Phù Cừ; nâng cấp lò đốt rác tại xã Dị Sử, Dự án khu xử lý chất thải Đại Đồng giai đoạn 2 và sớm đưa vào hoạt động; khuyến khích kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án xử lý chất thải có công nghệ tiên tiến xử lý đốt tận thu nhiệt, thu hồi năng lượng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại làng nghề tái chế chì thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm); tái chế nhựa Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm). Một số ý kiến đề xuất tỉnh khảo sát, có cơ chế tài chính phù hợp hơn trong việc thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý rác thải nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn...