Tăng thu nhập cho người dân vùng cao từ mô hình sinh kế

Hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại 6 xã miền núi thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, thời gian qua, chương trình 'Tiến về phía trước' với sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sinh kế có ý nghĩa thiết thực. Nhờ đó, người dân tại các địa bàn được hưởng lợi từ chương trình đã có việc làm, thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Nhờ có đàn dê, vợ chồng anh Hồ Văn Khoa ở xã Hướng Lộc có việc làm và nguồn thu nhập ổn định hơn -Ảnh: T.P

Nhờ có đàn dê, vợ chồng anh Hồ Văn Khoa ở xã Hướng Lộc có việc làm và nguồn thu nhập ổn định hơn -Ảnh: T.P

Theo chân Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hướng Lộc Hồ Thị Thủy, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dê của gia đình anh Hồ Văn Khoa (sinh năm 2001), ở thôn Cu Ty, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa.

Được biết, đây là mô hình sinh kế do tổ chức Plan Quảng Trị hỗ trợ cho gia đình từ đầu tháng 4/2023 thông qua chương trình “Tiến về phía trước”. Trong đàn dê 11 con hiện có, chỉ có 3 con dê là gia đình mua thêm về nuôi, còn lại đều được sinh sản từ 2 con dê cái và 1 con dê đực được tặng ban đầu. Không chỉ con giống, tổ chức Plan còn hỗ trợ thêm kinh phí làm chuồng trại, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê.

Anh Khoa cho hay, dê ít dịch bệnh, dễ chăm sóc lại nhanh sinh sản; trung bình hằng năm, mỗi con dê mẹ sinh khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con. Nhờ chăm sóc tốt, đều đặn vài tháng một lần, vợ chồng anh lại thu được tiền từ việc bán dê cho các thương lái. “Trước đây, vợ chồng tôi khó khăn lắm. Làm nương, rẫy mãi chẳng đủ ăn.

Phải đến sau khi tôi đi bộ đội về và nhận được mô hình sinh kế từ chương trình “Tiến về phía trước”, cuộc sống của chúng tôi mới khá hơn, có điều kiện để chăm lo cho 2 con nhỏ. Số tiền có được từ bán dê, vợ chồng tôi để một phần trang trải cuộc sống, phần còn dư tích góp lại nhiều lần, tiếp tục mua dê về nuôi”, anh Khoa chia sẻ.

Tại thôn Cu Ty, từ sau khi chương trình “Tiến về phía trước” được triển khai, không chỉ riêng gia đình anh Khoa mà rất nhiều hộ dân khác cũng có cơ hội thay đổi cuộc sống nhờ các mô hình sinh kế.

Trao đổi với phóng viên, chị Hồ Thị Thủy cho biết, toàn thôn được chương trình hỗ trợ 36 con dê, trong đó có 34 con dê cái, 2 con dê đực. “Nhờ có sự hướng dẫn, tập huấn của các cán bộ tổ chức Plan Quảng Trị, người dân ở đây nay đã thành thạo hơn với việc chăn nuôi dê, nhất là hạn chế tối đa dịch bệnh.

Từ số dê giống ban đầu, đến nay đàn dê của thôn đã phát triển lên 72 con. Những mô hình sinh kế như nuôi dê trong thời gian qua đã thực sự giúp cho cuộc sống của đồng bào miền núi xã Hướng Lộc và người dân tại các địa phương hưởng lợi từ chương trình “Tiến về phía trước” thay đổi theo hướng tích cực hơn”, chị Thủy nói.

Bên cạnh các hộ dân nuôi dê, từ đầu năm 2024, xã Hướng Lộc còn có thêm 8 mô hình chăn nuôi lợn sinh sản. Dẫn chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Hồ Thị Suôn (sinh năm 1986), ở thôn Ta Xía, xã Hướng Lộc, chị Thủy một lần nữa khẳng định về ý nghĩa và giá trị mà chương trình “Tiến về phía trước” mang lại cho đồng bào tại địa phương.

So với gia đình anh Khoa, gia đình chị Suôn có phần khó khăn hơn bởi chồng chị bị thoái hóa cột sống, không có khả năng lao động đã nhiều năm nay. Một mình chị phải cáng đáng việc nhà, làm nương rẫy để nuôi chồng và 4 đứa con. Thế rồi thông qua chương trình “Tiến về phía trước”, chị Suôn được hỗ trợ 1 con lợn nái có trọng lượng 60kg, 1 con lợn đực và kinh phí để làm chuồng với tổng trị giá 7 triệu đồng.

Nhờ chịu khó chăm sóc, chỉ trong thời gian ngắn, lợn của chị đã sinh sản thêm được 2 con. Hôm chúng tôi đến thăm, chị Suôn vui mừng cho biết: “Tôi rất biết ơn cán bộ địa phương, cán bộ Plan đã tạo điều kiện để gia đình tôi làm ăn, phát triển kinh tế. Áp dụng những điều mà các cán bộ hướng dẫn, lợn nhà tôi ăn nhiều, lớn nhanh hơn so với cách chăm sóc trước đây. Tôi dự định cố gắng vỗ béo lứa lợn này, chờ lợn nái sinh sản thêm lứa sau thì sẽ bán đi một ít để trang trải cuộc sống”.

Thông tin từ tổ chức Plan Quảng Trị cho biết, đến nay, chương trình “Tiến về phía trước” với sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam đã triển khai đến giai đoạn thứ 2. Ngoài xã Hướng Lộc, chương trình còn được triển khai tại 5 xã khác của tỉnh Quảng Trị gồm Tà Long, Đakrông, Tà Rụt (huyện Đakrông) và Lìa, Ba Tầng (huyện Hướng Hóa); 4 xã của huyện Đà Bắc và Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình và 5 xã của huyện Xín Mần và Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Với các phương thức tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm và cộng đồng quyết định, thời gian qua, các tổ chức thực hiện chương trình đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như phát triển các mô hình quản lý và thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình trường học an toàn, xây mới và duy tu, bảo dưỡng các công trình cộng đồng vi mô, đặc biệt là hỗ trợ mô hình sinh kế nhằm mục đích nâng cao năng lực, vị thế của người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Qua đó, cải thiện khả năng tiếp cận sinh kế và các dịch vụ cơ bản, giúp họ cải thiện cuộc sống.

Anh Lê Văn Phong, cán bộ phụ trách chương trình “Tiến về phía trước” chia sẻ: “Việc hỗ trợ các mô hình sinh kế được thực hiện dựa trên quan điểm trao “cần câu” chứ không trao “con cá” để giúp người đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Trị giảm nghèo một cách bền vững, hiệu quả.

Thay vì tặng, cho không, các tổ chức thực hiện chương trình “Tiến về phía trước” thống nhất các phương án hỗ trợ nhằm tạo ra sự chủ động, không trông chờ, ỷ lại cho các đối tượng.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục với các địa phương được hưởng lợi từ chương trình tiến hành khảo sát, nghiên cứu và hỗ trợ thêm nhiều mô hình sinh kế khác, giúp cho người dân ở đó có thêm động lực, điều kiện để vươn lên”.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tang-thu-nhap-cho-nguoi-dan-vung-cao-tu-mo-hinh-sinh-ke-185982.htm