Tăng thu nhập cho thành viên HTX từ đa dạng hóa ngành nghề
Hoạt động của nhiều HTX đang chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề, dịch vụ, liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên và người dân.
Với việc phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Phú Thượng, huyện Võ Nhai đã trở thành một trong những HTX điển hình của tỉnh Thái Nguyên, tạo việc làm ổn định cho gần 100 thành viên, người lao động là người địa phương, với mức thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/người/tháng.
Giảm nghèo từ mô hình đa ngành
Những năm gần đây, bánh khẩu sli không chỉ là món ăn truyền thống trong dịp lễ Tết cổ truyền của bà con dân tộc Nùng, mà còn trở thành đặc sản nổi tiếng được du khách thập phương ưa chuộng.
Chị Hoàng Thị Loan, thành viên HTX, phụ trách tổ sản xuất bánh khẩu sli chia sẻ, năm 2022, bánh khẩu sli Phú Thượng đạt chứng nhận OCOP. Điều này đã giúp cho sản phẩm được quảng bá rộng rãi hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong thời gian tới, các thành viên kỳ vọng nghề làm bánh khẩu sli của HTX sẽ tạo thêm nhiều việc làm hơn, cho thu nhập cao hơn.
Đi vào hoạt động từ năm 2018 với gần 60 thành viên, ban đầu, HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Phú Thượng chỉ hoạt động trên các lĩnh vực gồm: Trồng rừng, chế biến lâm sản, trồng cây ăn quả. Vừa hoạt động vừa không ngừng mở rộng ngành nghề, dịch vụ, đến nay, HTX đã có gần 100 thành viên, người lao động, với trên 10 lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, như: Trồng rừng, chế biến lâm sản, trồng cây ăn quả, rau an toàn, sản xuất thực phẩm, sản xuất đồ thủ công, dịch vụ du lịch, nhà hàng…
Trong đó, du lịch là sản phẩm dịch vụ mới nhất của HTX. Mặc dù mới đi vào hoạt động, đón khách từ tháng 9/2022, nhưng đến nay, Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà của HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Phú Thượng đã thu hút được trên 2.000 lượt khách và đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng. Con số này tuy còn khá khiêm tốn nhưng rất đáng khích lệ đối với một điểm du lịch hoàn toàn mới. Hoạt động của Điểm du lịch cũng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho trên 173 hộ dân xóm Mỏ Gà.
Mảng hoạt động lớn nhất của HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Phú Thượng là sản xuất - kinh doanh sản phẩm cây ăn quả, như na, ổi, nhãn, bưởi, thanh long... Tính đến nay, HTX đã phát triển được trên 80ha cây ăn quả. Nhờ áp dụng công nghệ - kỹ thuật, sản phẩm cây ăn quả của HTX cho năng suất, sản lượng cao với tổng doanh thu mỗi năm lên tới gần 20 tỷ đồng.
Ông Lành Văn Hữu, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Phú Thượng cho biết: "Thời gian tới, bên cạnh việc triển khai hoạt động trên các lĩnh vực mới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển thật tốt những ngành nghề hiện có. Đặc biệt, HTX sẽ đẩy mạnh quảng bá các thương hiệu sản phẩm hiện có để từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, làm giàu cho các thành viên và tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương".
Đánh thức tiềm năng địa phương
Tại TP. Hòa Bình, HTX Nông nghiệp bản Dao đã và đang trở thành “điểm tựa” cho thành viên, người dân trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
HTX hiện có 86 thành viên, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động đạt 3,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ nâng cao giá trị kinh tế, HTX đang tạo ra bước chuyển biến lớn trong tư duy sản xuất của người dân.
Những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng của cây sả, người dân xã Thống Nhất đã tích cực tận dụng diện tích đất vườn, đồi để trồng sả xen canh. Nằm trong Chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình, vì vậy, mô hình sản xuất sả hàng hóa của người dân nhận được nhiều sự quan tâm từ địa phương.
Đến nay, toàn xã Thống Nhất có khoảng 200 ha trồng sả, trong đó riêng HTX triển khai trồng 145 ha, với 100% diện tích áp dụng quy trình sản xuất an toàn, các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường được chú trọng.
Bên cạnh thành công với cây sả, HTX cũng đang gặt hái thành công với dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp. Với vai trò hỗ trợ sản xuất, HTX đã đầu tư mua giống, phân bón với giá rẻ, chất lượng cao, tốt nhất để cung ứng cho thành viên dưới hình thức mua nợ trong 12 tháng.
Bà Nguyễn Thị Bình - Giám đốc HTX cho biết, ngoài những ngành nghề cũ truyền thống, HTX đã mạnh dạn đưa thêm những ngành nghề mới vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của các thành viên.
Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn mua sắm phương tiện vận chuyển sản phẩm, thiết bị bảo quản sản phẩm, liên kết doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm ổn định, nâng cao đời sống cho thành viên, đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Giúp dân thoát nghèo, làm giàu
Ông Phạm Hồng Đào, Phó chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết, với việc chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, các HTX đã góp phần tích cực vào việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giúp giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, nhiều HTX đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và có thị trường tiêu thụ bền vững.
Theo ông Phạm Hồng Đào, các HTX đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển ngành nghề nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn và thúc đẩy chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ trong nông nghiệp, nhờ đó, đời sống của thành viên HTX được nâng cao rõ rệt, một số HTX nhanh chóng trở thành địa chỉ đáng tin cậy của hàng nghìn hộ nông dân địa phương.
Có thể thấy, nhờ phát triển đa dạng ngành nghề kinh doanh, các HTX đã thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, mở thêm ngành nghề mới, mang lại hiệu quả kinh tế.
Các mô hình này đã tạo sinh kế cho người nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo và trở nên khá giả.