Tăng thuế cao với thuốc lá

Theo thống kê, Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng đề xuất tăng thuế tiêu thụ với thuốc lá là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm lượng tiêu thụ thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

BĐBP Long An bắt giữ đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu cùng tang vật. Ảnh: Đinh Quân

BĐBP Long An bắt giữ đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu cùng tang vật. Ảnh: Đinh Quân

Thực tế, sau hơn 11 năm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá tại Việt Nam có giảm nhưng tốc độ giảm khá khiêm tốn, từ mức 47,4% tỷ lệ hút thuốc ở nam giới vào năm 2010 xuống 45,3% vào năm 2015 và khoảng 42,7% vào năm 2022. Trong khi, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã nhiều lần khuyến cáo, một trong những lý do chính khiến Việt Nam có số người hút thuốc lá cao là do giá thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, hiện đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam theo luật hiện hành ở mức 75% giá bán của nhà sản xuất; tuy nhiên, tổng các khoản thuế tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 38-39% trong giá bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam hiện nay, thấp hơn rất nhiều so với trung bình của các quốc gia có mức thu nhập trung bình (59%) và đa số các nước ASEAN (khoảng 60-70%), cũng như khuyến nghị của WHO là khoảng 2/3 đến 3/4 giá bán lẻ.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, việc nâng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là cần thiết để hạn chế người hút thuốc. Đề xuất này cũng nhận được sự ủng hộ cao của dư luận, bởi thuốc lá đang gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của cá nhân và ảnh hưởng sức khỏe, môi trường của cả cộng đồng. Nhiều người dân đề nghị, tăng thuế thuốc lá điếu càng nhiều càng tốt để giảm tiêu thụ thuốc lá...

Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá rất cao. Ngoài việc giữ nguyên mức thuế suất 75% như hiện nay, dự thảo bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030 để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO.

Theo đó, thuốc lá điếu có mức thuế tuyệt đối vào năm 2026 là 5.000 đồng/bao và mỗi năm tăng thêm 1.000 đồng/bao, đạt mức tối thiểu 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Tương tự, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng hút, hít, nhai, ngửi, ngậm (100g hoặc 100ml) từ năm 2026 mức thuế tuyệt đối là 50.000/ điếu/100g/100ml, sau đó mỗi năm tăng thêm 10.000 đồng và đến năm 2030 tăng lên mức tối đa là 100.000 đồng/điếu/100g/100ml.

Trước đề xuất tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam quan ngại, mức đột ngột và lớn sẽ tác động sâu rộng đến ngành thuốc lá. Đồng thời, đề nghị phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có mức khởi điểm từ 1.000 đồng/bao vào năm 2026 và đến năm 2030 là 3.000 đồng/bao để tránh được “cú sốc” về tăng giá bán thuốc lá hợp pháp, giảm thiểu biến động lớn từ đó có cơ hội bình ổn thị trường, ngăn chặn thuốc lá nhập lậu.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với thuốc lá là cần thiết nhằm thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt, tăng thuế là giải pháp quan trọng, hữu hiệu để hướng tới mục tiêu: giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39% giai đoạn 2023 - 2025 và xuống dưới 36% giai đoạn 2026 - 2030 trong Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-thue-cao-voi-thuoc-la-post478995.html