Tăng thuế với nước giải khát có đường - không thay đổi được hành vi, lối sống

Việc đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính lấy ý kiến tham kham khảo đang gây nhiều tranh luận. Đối với bất kỳ sắc thuế nào khi thay đổi, cũng cần được đánh giá kỹ đối tượng chịu tác động, tránh gây ra những cú sốc với thị trường.

Ai sẽ bị ảnh hưởng nếu tăng thuế nước giải khát có đường?

Chị Nguyễn Thị Duyên (46 tuổi, huyện Thanh Oai, Hà Nội) làm nghề thu gom phế liệu nên chị thường xuyên giải khát bằng những lon nước trái cây hoặc nước điện giải có chút đường. Những lúc nắng nóng, mệt nhọc như vậy, những lon nước này giúp chị cân bằng lại sức khỏe để có thể tiếp tục làm việc. Chị cũng cho biết, với mức thu nhập dao động 200.000 tới 300.000 đồng/ngày, mọi chi tiêu đều phải tính toán kỹ, để có khoản tiết kiệm. Do vậy, chị thấy áp lực khi nghe tin hàng hóa hay sử dụng sẽ tăng giá.

Thừa cân, béo phì bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều đến từ sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao.

Thừa cân, béo phì bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều đến từ sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao.

Còn đối với các bạn trẻ như Nguyễn Thùy Linh, 21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Thương mại (Hà Nội), việc sử dụng nước điện giải, nước trái cây - một loại nước giải khát có đường trở thành một phần trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là sau những giờ tập luyện thể thao. Việc áp thuế vào nước giải khát có đường khiến Linh lo ngại, giá các lon nước ngọt rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ tăng giá, trong khi các đồ uống không rõ xuất xứ lại có cơ hội để bùng nổ hơn.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường hơn 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mục tiêu của đề xuất này nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai. Từ đó giảm áp lực, quá tải với hệ thống y tế, bệnh viện.

Thực tế, sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng vẫn đang gặp rất nhiều thách thức. Nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường, cắt giảm nhân sự hoặc giảm thu nhập của người lao động. Hầu bao của người dân bị thu hẹp, trong khi gánh nặng chi phí có thể tăng cao ở bất cứ sản phẩm nào cũng tác động lớn đến đời sống.

Khảo sát tiêu dùng cho thấy, người sử dụng nhiều nước giải khát là người ở khu vực nông thôn, người lao động có thu nhập thấp. Họ cần tiếp năng lượng khi lao động nặng nhọc như tài xế, khuân vác…Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt là một dạng thuế gián thu, tác động lên giá bán của sản phẩm, sự biến động này lại vô tình tác động lên túi tiền của bộ phận người dân có thu nhập thấp/dễ bị tổn thương

Cân nhắc kỹ càng

Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích: Nên chăng phải có sự nghiên cứu một cách đầy đủ hơn về cơ sở áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường.

Nếu căn cứ vào tiêu chuẩn Việt Nam như dự thảo luật hiện tại thì ngay cả những sản phẩm nước uống thể thao, nước điện giải, nước có chứa trái cây tốt cho sức khỏe đều bị đưa vào phạm vi đánh thuế. Đây là những sản phẩm cần thiết để bù khoáng, bù muối và bổ sung vitamin cho người dùng, đặc biệt là người vận động thể thao. Vì vậy, cần phải lựa chọn và xác định những mặt hàng phù hợp, thời điểm đánh thuế và mức độ mở rộng đối tượng chịu thuế. Ngoài ra, cần có những đánh giá tác động toàn diện để bảo đảm sắc thuế khi được ban hành phải cân đối được lợi ích và chi phí.

 Người dân lựa chọn nước giải khát tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: AN NHIÊN

Người dân lựa chọn nước giải khát tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: AN NHIÊN

`Điều đáng nói, dù đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường nhưng chưa chắc thay đổi hành vi tiêu dùng như mục đích dự thảo đã đề ra. Như với nhóm người lao động ở các lĩnh vực khác nhau đã đề cập nêu trên, việc tăng thêm chi phí cũng chỉ khiến cuộc sống vất vả hơn, không thay đổi được hành vi sử dụng nước ngọt của họ. Do vậy, khi làm chính sách liên quan đến các sắc thuế, cơ quan nhà nước cần phải xem xét bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại để đánh giá tính hiệu quả và sự phù hợp của đề xuất.

Ở góc độ khác, hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh đồ uống có đường là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì. Báo cáo của WHO về thừa cân, béo phì cũng như tài liệu chuyên môn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì của Bộ Y tế năm 2022 (Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22-10-2022) nêu rõ thừa cân, béo phì bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều đến từ sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Các nguyên nhân hàng đầu bao gồm: Chế độ dinh dưỡng không hợp lý bao gồm cả việc tiêu thụ nhiều chất béo, chất đạm, nhiều muối và không đủ chất xơ; thiếu hoạt động thể chất, lười vận động.

Với doanh nghiệp trong ngành đồ uống, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ tạo gánh nặng tuân thủ lên các doanh nghiệp sản xuất chính thống, trong khi có thể tạo điều kiện để các hoạt động sản xuất phi chính thức; nhập lậu, làm giả, làm nhái, sản xuất sản phẩm kém chất lượng ngày càng phát triển.

Như vậy, cần có đầy đủ các cơ sở khoa học, thực tiễn, các báo cáo đánh giá tác động toàn diện vấn đề này, để bảo tính công bằng, hiệu quả, một trong những nguyên tắc đánh thuế quan trọng của Nhà nước.

KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-thue-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-khong-thay-doi-duoc-hanh-vi-loi-song-787371