Tăng tỉ lệ xét tốt nghiệp bằng điểm học bạ lên 50% là rất đáng lo ngại?

Dự thảo ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông dự kiến xét công nhận tốt nghiệp theo hướng tăng tỉ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập của lớp 10, 11, 12 lên 50% khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn, lo ngại.

Điều 45 quy định điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông như sau:

Như vậy, dự kiến xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng tăng tỉ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (hiện nay là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích "đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố".

Quy định tăng tỉ lệ xét tốt nghiệp bằng điểm học bạ lên 50% khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo ngại, bởi vì "bệnh thành tích" và tiêu cực trong "làm đẹp" học bạ đã được phản ánh khá nhiều đến các cơ quan hữu quan thời gian qua.

Chẳng hạn, ngày 7/2/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ. Cử tri cho rằng hiện nay, nhiều tiêu cực nảy sinh trong việc "chạy điểm", "làm đẹp" học bạ ở các nhà trường.

Liên quan đến "bệnh thành tích" và tiêu cực trong "làm đẹp" học bạ, một giáo viên bậc trung học phổ thông nói thẳng, chuyện này đã tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua nhưng ngành giáo dục vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.

Giáo viên này nói thêm, trường trung học phổ thông công lập và tư thục đều xảy ra việc làm đẹp học bạ vì "bệnh thành tích" là chủ yếu. Hàng năm, sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngành giáo dục địa phương đều công bố bảng so sánh tỉ lệ đỗ tốt nghiệp giữa các trường, kể cả thống kê số lượng học sinh được vào đại học theo các phương thức xét tuyển.

Nếu chẳng may trường nào có học sinh rớt tốt nghiệp thì hiệu trưởng sẽ rất "khó ăn khó nói" với lãnh đạo cấp trên, với giáo viên cấp dưới, với học sinh và phụ huynh. Đối với trường tư thục, nhiều phụ huynh sẽ không gửi con vào học những trường có học sinh rớt tốt nghiệp. Thậm chí, có giáo viên chủ nhiệm trường tư thục bị "ép" đến mức phải xin nghỉ việc vì để học sinh rớt tốt nghiệp (do điểm học bạ của học sinh thấp).

Đã từng có nhiều ý kiến nêu quan điểm, nên bỏ cơ cấu điểm học bạ trong xét tốt nghiệp trung học phổ thông và bỏ xét tuyển vào đại học theo phương thức lấy điểm học bạ. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa/không thể thực hiện được là vì thực tiễn kiểm tra đánh giá và hành lang pháp lí chưa cho phép.

Ví dụ, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở lớp 10, 11 và 12 là 30% hoặc 50% là phù hợp. Bởi vì, việc công nhận học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông là cả một quá trình, chủ yếu 3 năm học bậc trung học phổ thông, chứ không phải chỉ bằng một bài thi của 4 môn thi.

Cùng với đó, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai.

Ngoài ra, Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.

Điều đáng bàn, theo dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, mục đích của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông là "Cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ." (trích).

Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học cần giảm giảm xét tuyển bằng học bạ, thay vào đó là tăng kết quả xét thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tạo sự công bằng, khách quan cho các thí sinh.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/tang-ti-le-xet-tot-nghiep-bang-diem-hoc-ba-len-50-la-rat-dang-lo-ngai-179240903153443332.htm