Tăng tiết ở các lớp cuối cấp, cả thầy và trò đều mệt mỏi!
Thầy và trò đều mệt mỏi và phụ huynh thì tốn kém thêm nhiều tiền nhưng kết quả cuối cùng thì cũng chỉ có chừng ấy chỉ tiêu đã được ấn định từ trước...
Ngay sau khi học kỳ I kết thúc thì nhiều Sở, Phòng Giáo dục đã có kế hoạch hướng dẫn để các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tổ chức dạy tăng tiết ở chương trình chính khóa nhằm chuẩn bị kết thúc học kỳ II sớm hơn.
Tất cả sự chuẩn bị này đều hướng tới một mục đích rất rõ ràng là để đạt chất lượng trong các kỳ thi được tốt nhất. Bởi, chất lượng kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và thi tuyển sinh 10 mới làm nên thương hiệu cho địa phương và các nhà trường phổ thông hiện nay.
Nếu theo lộ trình của Bộ thì các địa phương, các nhà trường sẽ kết thúc chương trình năm học vào cuối tháng 5 hàng năm. Nhưng, lộ trình này chỉ áp dụng cho các lớp học đầu cấp. Học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12 sẽ có một lộ trình giảng dạy và học tập rất riêng mà địa phương nào cũng chú trọng.
Đối với kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia mấy năm nay được diễn ra vào những ngày cuối tháng 6 hàng năm. Chính vì thế, chương trình học trên lớp thường được kết thúc chậm nhất vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 để tập trung cho việc ôn thi của các nhà trường.
Đối với thi tuyển sinh 10 thì do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nên thời gian của các địa phương cũng khác nhau. Tuy nhiên, mấy năm qua thì chúng ta chỉ thấy một số địa phương tổ chức thi trong tháng 7 còn đa phần tổ chức ở đầu tháng 6.
Việc tổ chức tuyển sinh 10 vào đầu tháng 6 để các Sở chủ động chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông vào cuối tháng 6. Bởi, lãnh đạo Sở và phần lớn đội ngũ giáo viên Trung học cơ sở phải làm nhiệm vụ cả 2 kỳ thi cận kề nhau.
Ám ảnh tăng tiết
Đối với kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia là sự cạnh tranh của các tỉnh, thành với nhau. Các địa phương đều mong muốn tỉnh mình có tỉ lệ điểm trung bình, tỉ lệ học sinh lớp 12 vào đại học cao nhất, không muốn địa phương mình phải xếp ở tốp cuối bảng xếp hạng.
Kỳ thi tuyển sinh 10 dù do Sở tổ chức nhưng cũng cạnh tranh gay gắt giữa các Phòng Giáo dục và các nhà trường. Có thể học sinh không sợ lắm vì nhiều học sinh cũng xác định rõ không đậu lớp 10 công lập thì có thể học dân lập, bổ túc văn hóa hoặc học nghề…
Bởi, thực tế những năm qua có tình trạng sinh viên đại học ra trường thất nghiệp nhiều nên một bộ phận học sinh bây giờ cũng không thiết tha với việc học như trước đây. Học hết lớp 9 thì các em cũng có nhiều lựa chọn khác nhau, có thể các em học nghề hoặc nghỉ một thời gian ngắn rồi xin vào các khu công nghiệp làm việc cũng có thu nhập tốt.
Nhưng, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Ban giám hiệu nhà trường thì sợ học sinh của mình điểm thấp. Phòng sợ huyện mình thấp hơn huyện khác, trường sợ trường mình thấp hơn trường khác nên bắt buộc phải tăng tiết để chủ động cho việc ôn thi sau này.
Đối với lãnh đạo ngành, lãnh đạo trường thì việc tăng tiết cũng không ảnh hưởng bao nhiêu bởi họ chỉ làm có cái kế hoạch tăng tiết và triển khai là xong. Nhưng, giáo viên và học sinh thì bước vào tăng tiết là đối mặt với những tháng ngày khủng khiếp.
Đối với những môn mà liên quan đến kỳ thi thì càng khiến cho giáo viên và học sinh sợ nhiều hơn. Giáo viên phải dạy tăng thêm nhiều tiết so với quy định hiện hành. Nếu như bình thường, giáo viên Trung học phổ thông chỉ dạy tối đa là 17 tiết/tuần, giáo viên Trung học cơ sở dạy 19 tiết/ tuần.
Thế nhưng, khi tăng tiết, giáo viên phải dạy thêm nhiều tiết nữa, có giáo viên phải dạy tăng thêm hàng chục tiết/ tuần. Nhiều hôm cả sáng, chiều đều dạy ở trường đến gần chục tiết học. Về đến nhà là đuối, mệt chỉ muốn đi ngủ nhưng rồi công việc, giáo án, chấm bài khiến một số giáo viên phải gắng gượng.
Những giáo viên dạy môn mà nói ít còn đỡ nhưng những giáo viên dạy Ngữ văn thì sang học kỳ II có nhiều người thỉnh thoảng bị mất tiếng vì nói suốt ngày trên lớp, nhiều lúc mệt không tả nổi.
Giáo viên thì vậy, học sinh cũng mệt mỏi không kém. Gần như buổi sáng nào cũng 5 tiết trên lớp. Buổi chiều không học Thể dục thì được nhà trường xếp lịch học tăng tiết trái buổi.
Nhiều em nhà xa trường nên đi lại cũng rất mệt, lúc vào học lớp buổi chiều là ngủ gục bất kể lúc nào có thể. Nhìn những khuôn mặt mệt mỏi của học trò, giáo viên hiểu rằng các em cũng rất khó có thể tiếp thu được nội dung của bài học mà mình đang giảng.
Chính vì học tăng tiết nhiều nên chỉ sang đầu tháng tư là các nhà trường tổ chức kiểm tra học kỳ và hoàn tất điểm số năm học cho học trò. Khoảng thời gian còn lại khoảng 2 tháng là học sinh chính thức bước vào học thêm do nhà trường tổ chức. Tất nhiên, đoạn ôn thi cam go này thì phụ huynh phải trả tiền học thêm cho nhà trường khi tham gia học thêm.
Có cần thiết phải dạy tăng tiết ngay từ đầu học kỳ II?
Việc dạy tăng tiết để kết thúc sớm chương trình năm học và bước vào ôn thi đương nhiên là điểm số của học sinh ở các nhà trường sẽ được cải thiện hơn. Nhưng, học sinh, giáo viên đều vất vả hơn, còn phụ huynh thì phải trả tiền học thêm cho con mình ít nhất là 2 tháng.
Hơn nữa, nếu kết thúc năm học đúng lộ trình thì học sinh vẫn còn trên dưới một tháng để ôn thi- khoảng thời gian này là ôn tập hiệu quả nhất.
Thực tế, nếu như tất cả lãnh đạo ngành giáo dục ở địa phương không trọng thành tích mà đồng lòng kết thúc đúng chương trình theo đúng kế hoạch thì điểm cao, thấp hơn một chút cũng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả (đậu, rớt) của các em học sinh.
Đối với kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia có 2 nhiệm vụ chính. Một là lấy điểm để công nhận tốt nghiệp và hai là lấy điểm để xét tuyển đại học. Nhưng, đối với việc lấy điểm xét tốt nghiệp thì đa phần các tỉnh đều trên 90%, nhiều tỉnh lên đến 99% thì có gì phải sợ.
Điểm xét tuyển đại học thì điểm thi của thí sinh cao, các trường sẽ lấy điểm chuẩn đầu vào cao hơn, điểm thi thấp thì các trường lấy điểm chuẩn thấp. Kỳ thi tuyển sinh 10 cũng vậy bởi khi chưa thi thì Bộ, Sở đã thống nhất chỉ tiêu tuyển cho các nhà trường rồi.
Thế nhưng, năm nào cũng phải dạy và học trước chương trình bằng cách tăng tiết vào trái buổi. Thầy và trò đều mệt mỏi và phụ huynh thì tốn kém thêm nhiều tiền nhưng kết quả cuối cùng thì cũng chỉ có chừng ấy chỉ tiêu đã được ấn định từ trước.