Tăng tính trách nhiệm của địa phương, chủ động hơn trong giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Chiều 16/1, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên lề Kỳ họp, ĐBQH Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cho rằng, cần có cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình.

+ Thưa đại biểu Quốc hội, xin ông cho biết quan điểm của mình về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia?

ĐBQH Sùng A Lềnh: Trên cơ sở nghiên cứu về dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này, tôi cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là rất cần thiết.

Bởi vì, xuất phát từ thực tiễn triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế và bất cập; một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần triển khai còn rất chậm như: Hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, sắp xếp dân cư; hỗ trợ phát triển sản xuất; khởi nghiệp kinh doanh, hỗ trợ khoán và bảo vệ rừng, đào tạo, tập huấn...

Do vậy, để tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiên, giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới thì việc xây dựng và triển khai Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là hết sức cần thiết.

 Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh.

Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh.

+ Trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất 8 giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới. Ông nghĩ sao về các chính sách này?

ĐBQH Sùng A Lềnh: Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn hằng năm của chương trình mục tiêu quốc gia, tôi đề nghị cần bổ sung thêm một nội dung như sau: “Thời hạn điều chỉnh dự toán thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 31 tháng 12 hàng năm”. Bởi tại Khoản 3 điều 53 Luật ngân sách nhà nước về thời hạn điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách có quy định: Thời gian điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thành trước ngày 15 tháng 11 năm hiện hành. Tuy nhiên, trên thực tế phải đến thời điểm tháng 12 mới xác định được cụ thể khối lượng chính thức hoàn thành trong năm để điều chỉnh kế hoạch vốn, dự toán kinh phí giữa các dự án, các hoạt động cho phù hợp.

Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (tại Khoản 5 Điều 4), tôi ủng phương án 1: “a) Thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án phát triển sản xuất. Việc xác định từng loại tài sản cụ thể cho từng đối tượng cụ thể do cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định khi phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

 Phiên họp Quốc hội chiều ngày 16/1/2024.

Phiên họp Quốc hội chiều ngày 16/1/2024.

Tôi cho rằng, phương án này kế thừa được kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các dự án cộng đồng của các chương trình trước đây, đặc biệt là Chương trình 135. Tuy nhiên, cần phải có nghiệm thu và có quy chế quản lý cụ thể trước khi giao cho cộng đồng, chủ trì liên kết quản lý.

Theo tôi, tại điểm b, Chính phủ cần nghiên cứu ở những vùng đặc biệt khó khăn thì những tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải có chính sách hỗ trợ hỗ trợ cho không từ ngân sách nhà nước là 20% giá trị tài sản, giá trị tài sản còn lại là vốn của chủ trì liên kết hoặc được hưởng vay tín dụng ưu đãi từ ngân hàng Chính sách xã hội. Để phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương thì chính sách này có thể giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh quy định cho từng trường hợp cụ thể.

Liên quan đến cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (tại Khoản 7 Điều 4), tôi ủng hộ phương án 2: “Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025”.

 Cần có cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh minh họa.

Cần có cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh minh họa.

Tôi cho rằng, nội dung này giao cho cấp huyện là hợp lý, đảm bảo phân cấp, phân quyền triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng tính trách nhiệm của địa phương, chủ động hơn trong giải ngân nguồn vốn vì địa phương sát với thực tế, nắm vững khó khăn, vướng mắc và chủ động đưa ra các giải pháp giải quyết kịp thời và hiệu quả.

+ Theo đại biểu, trong dự thảo Nghị quyết cần lưu ý thêm vấn đề gì?

ĐBQH Sùng A Lềnh: Ngoài các vấn đề trên, tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung cho phép địa phương được điều chỉnh nguồn vốn sự nghiệp không sử dụng hết (do không còn nội dung chi) để thực hiện các nội dung khác mang tính chất đầu tư như: đầu tư đường giao thông, trường lớp học, tôn tạo hoặc xây dựng công trình bảo tồn kiến trúc của các dân tộc thiểu số… nhằm sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn chương trình.

Bởi thực tế, việc phân bổ nguồn lực từ trung ương cho một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần còn chưa hợp lý như: kinh phí bố trí cho các nội dung đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát quá lớn so với nhu cầu của địa phương. Trong khi đó, nhu cầu nguồn vốn bố trí cho đầu tư cơ sở hạ tầng là rất lớn nhưng trung ương bố trí còn hạn chế…

+ Trân trọng cảm ơn đại biểu Quốc hội!

N.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-tinh-trach-nhiem-cua-dia-phuong-chu-dong-hon-trong-giai-ngan-nguon-von-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-post281219.html