Tăng tính ứng dụng của các đề tài khoa học công nghệ
Việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ đã đưa các giống cây, con mới, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ diện tích 5 ha trồng thử nghiệm ban đầu theo Mô hình trồng thử nghiệm giống chè đặc sản giống Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên tại thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái (Na Hang), đến nay, xã Hồng Thái đã chuyển đổi được 45 ha cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng 2 loại chè đặc sản Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên. Đây là loại chè chất lượng cao, là nguyên liệu chế biến các sản phẩm chè cao cấp như: Trà Mat-cha, trà Ô-Long, trà xanh. Gia đình ông Lý Văn Đình, thôn Khuẩy Phầy là người đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế thấp chuyển sang trồng 5 ha chè đặc sản Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên. Nhờ được tập huấn chuyển giao công nghệ, nắm vững quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chè theo phương pháp hữu cơ không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, với diện tích 5 ha chè Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên vụ vừa rồi đã cho gia đình ông thu hoạch gần 25 tấn chè tươi, giá bán 30.000 - 35.000 đồng/kg, gia đình ông đã thu được 600 - 700 triệu đồng. Ông Đình chia sẻ, trước đây, cùng diện tích khi chưa trồng chè, gia đình ông trồng ngô mỗi năm chỉ thu được 2 - 3 triệu/1ha, có năm mất mùa chỉ thu được 500 - 700 nghìn/1ha.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào mô hình trồng nho đen xã An Khang (TP Tuyên Quang).
Còn gia đình anh Nguyễn Văn Lực, thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), những năm trước đây, chỉ thực hiện phối giống cho trâu của gia đình theo phương pháp truyền thống, nghé sinh ra với vóc dáng nhỏ hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2018 đến nay, gia đình anh áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho trâu và đã có 5 con nghé được sinh ra khỏe mạnh, sức đề kháng cao, tầm vóc to, nặng gần gấp đôi so với giống trâu bản địa. Ngoài ra, anh được cán bộ thú ý hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc trâu cái sinh sản, nghé sơ sinh nên đàn trâu của gia đình sinh trưởng khỏe mạnh, ít bệnh tật, hiệu quả kinh tế tăng.
Để từng bước cải thiện đàn trâu giống, tăng quy mô đàn trâu lai, dự án “Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trâu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” sau hơn 3 năm triển khai đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tỷ lệ nghé được sinh ra từ thụ tinh nhân tạo đạt từ 55 - 60%. Nghé con sinh ra có tầm vóc to, nặng hơn với trọng lượng nghé sơ sinh từ 35 - 42 kg cao hơn nghé bản địa từ 42 - 59%. Từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 10.000 con trâu cái trên địa bàn tỉnh được thụ tinh nhân tạo.
Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã giúp các địa phương lựa chọn được giống cây trồng, con vật phù hợp như giống lạc đặc sản Chiêm Hóa L14; các giống cam Hàm Yên CS1 (chín sớm), CT36 (chín trung bình); V2 (chín muộn); tuyển chọn 2 dòng keo 102, BV 342 ngắn ngày, kháng sâu bệnh. Bên cạnh đó, đã ứng dụng các cải tiến khoa học, kỹ thuật trong sản xuất: Công nghệ tưới nhỏ giọt, ứng dụng chất giữ ẩm cho đất trồng chè, sản xuất cá giống đặc sản bằng phương pháp sinh sản nhân tạo, cải thiện đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo... Nhờ đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả, giá trị các sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên, vẫn còn có những đề tài, dự án ứng dụng vào thực tiễn còn chậm... Đơn cử như đề tài Trồng thử nghiệm cây Macadamia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Dự án đã xây dựng mô hình 5 ha trồng thử nghiệm tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) và xã Khuôn Hà (Lâm Bình), đã kết thúc và nghiệm thu từ tháng 4-2019 nhưng việc nhân rộng mô hình vẫn còn chậm và chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Nguyên nhân một phần là do việc phổ biến kết quả của đề tài sau khi nghiệm thu chưa được rộng rãi; vẫn còn tình trạng trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ; cây lâm nghiệp là cây trồng dài ngày, hiệu quả chưa nhìn thấy ngay được nên đã có nhiều người dân bỏ mô hình và trở lại với cây trồng và cách thức sản xuất cũ.
Để nâng cao tính ứng dụng trong thực tiễn của các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; lựa chọn, tập trung phát triển công nghệ mới, ưu tiên các đề tài, dự án có khả năng ứng dụng, tạo giá trị gia tăng cao đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh.