Tăng tốc, bứt phá để hoàn thành thêm 1.200 km cao tốc vào năm 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) - nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì họp phiên thứ 13 của Ban Chỉ đạo, sáng 08/8.
Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trên địa bàn.
Hiện danh mục các dự án mà Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo gồm 40 dự án lớn/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt và hàng không, đi qua địa phận 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phiên họp nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 12 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án.
Sau 12 phiên họp, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo - đã ban hành 12 kết luận; trên 400 công điện đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án.
Đang triển khai thi công 1.700km cao tốc
Theo báo cáo, ý kiến tại tại phiên họp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã hoàn thành 2 dự án đường bộ cao tốc (với 12 dự án thành phần, gồm 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ) với tổng chiều dài 693km đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên khoảng 2.021km.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tổng số dự án đường bộ cao tốc đang được triển khai thi công khoảng 1.700 km trên khắp mọi miền đất nước, từ các dự án cao tốc thuộc trục Bắc-Nam, các dự án kết nối theo trục Đông-Tây, kết nối khu vực Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên.
Trong đó, có khoảng 1.200 km dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, trong đó có 13 dự án và dự án thành phần với chiều dài 736 km có các điều kiện thuận lợi sẽ được hoàn thành trong năm 2025, 10 dự án/dự án thành phần chiều dài 377km cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành trong năm 2025...
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, sau phiên họp thứ 12, các bộ, ngành và các địa phương đã nỗ lực cố gắng trong triển khai các nhiệm vụ trong đó tập trung vào công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án.
Trong đó, Hà Nội đã hoàn thành công tác nghiệm thu đoạn trên cao Nhổn-Ga Hà Nội để đưa vào khai thác từ ngày 8/8. TP. HCM đã hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án TP. HCM-Mộc Bài theo phương thức PPP; phê duyệt điều chỉnh dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên.
Bộ GTVT đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa-Chơn Thành; đã báo cáo Chính phủ về đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; đã phê duyệt dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú; đã hoàn thành đưa vào khai thác đoạn còn lại của dự án cao tốc thành phần Diễn Châu-Bãi Vọt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành thẩm định các dự án Dầu Giây-Tân Phú, Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ GTVT hoàn thành công tác khảo sát một số định mức tại dự án đường bộ cao tốc, đang hoàn thiện để sửa đổi thông tư về định mức xây dựng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đang triển khai thủ tục để thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu, cung ứng vật liệu cát đắp cho các dự án khu vực phía Nam; báo cáo các khó khăn, vướng mắc về vật liệu đắp nền các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Xây dựng chi tiết đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025
Phát biểu kết luận, Thủ tướng cơ bản đồng tình, đánh giá cao các báo cáo, ý kiến tại phiên họp; giao Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến xác đáng, ban hành thông báo kết luận của phiên họp.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và cảm ơn sự vào cuộc tích cực, sự nỗ lực, tinh thần làm việc của các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án, các doanh nghiệp, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, nhất là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp làm việc hăng say tại các công trường dự án thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng chỉ rõ vẫn còn một số công việc vẫn chưa hoàn thành đúng hạn hoặc triển khai chưa đạt yêu cầu; đồng thời chỉ ra những bài học kinh nghiệm.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu hoàn thành thêm khoảng 1.200 km cao tốc vào năm 2025, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên trên 3.000km, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay thời tiết đã bắt đầu vào mùa mưa với dự báo sẽ có nhiều biến đổi bất thường, bất lợi. Thời gian từ nay đến cuối năm 2025 cũng không còn nhiều và là giai đoạn cần tăng tốc, bứt phá để triển khai khối lượng công việc lớn. Các chủ thể liên quan phải làm tốt các thủ tục chuẩn bị dự án, công tác giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, bảo đảm nguyên vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thi công, kiểm soát chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình, bảo đảm an toàn, vệ sinh, hoàn nguyên môi trường.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết "đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025" phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết, để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm soát chặt tiến độ thi công các dự án, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025; đặc biệt, đối với các dự án đang chậm tiến độ, cần có sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư, các nhà thầu mới có thể hoàn thành đúng tiến độ.
Cùng với đó, hưởng ứng, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc"; phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả".
Với công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật (điện cao thế), Thủ tướng nêu rõ đây là nhiệm vụ là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đường găng tiến độ của dự án, nhiều dự án còn khối lượng giải phóng mặt bằng ít nhưng lại là chỗ khó, do đó, đề nghị các địa phương tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để sớm nhất hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Về triển khai thi công, Bộ GTVT, các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công phối hợp với các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng; tập trung, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm việc nào dứt việc đó", "đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm" để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Bộ GTVT, các địa phương chỉ đạo các ban quản lý dự án, nhà thầu chủ động tập trung thi công các hạng mục là đường găng tiến độ, như công trình hầm lớn, cầu lớn, khu vực phải gia tải, xử lý nền đất yếu...
Đặc biệt, Thủ tướng đã chỉ rõ các nhiệm vụ cụ thể mà các bộ, ngành và các địa phương cần tập trung thực hiện thời gian tới./.