Tăng tốc, bứt phá để tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%

Thủ tướng yêu cầu tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao).

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Trong công điện mới nhất, Thủ tướng Chính phủ cho rằng để thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP) và kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo tiền đề hướng đến tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030, cầu ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao)

Thủ tướng cũng yêu cầu sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; hạ lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn ít nhất 10% so với năm 2024; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội; triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong 06 tháng đầu năm 2025; triển khai hiệu quả gói tín dụng 145 nghìn tỉ đồng cho nhà ở xã hội; quyết tâm xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội đến hết năm 2025.

Tăng tốc, bứt phá để tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%

Tăng tốc, bứt phá để tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%

Song song với đó, cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới.

Trong đó, cần đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá, nhất là xây dựng thể chế số thông thoáng, hạ tầng số hiện đại, nền kinh tế số rộng khắp, bảo đảm an ninh, an toàn mạng.

Ngoài ra, phải tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật…; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích hiệu quả. Triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; khuyến khích và đẩy mạnh chuyển đổi xanh.

Hơn nữa, cần tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia; khẩn trương kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc; phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2025; quyết tâm hoàn thành ít nhất 3.000km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025…

Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt và ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngày 12.11.2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025. Theo nghị quyết, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4,5%.

Nói với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết ông dự báo 2 tình huống kinh tế Việt Nam năm 2025.

Ở tình huống thận trọng, GDP được dự báo tăng trưởng từ 6,8 - 7,3%, trong khi lạm phát giữ ở mức 3,2 - 3,5%. Trong tình huống tích cực hơn, GDP có thể đạt từ 7,3 - 7,8%, với lạm phát dao động trong khoảng 3,5 - 3,8%.

Theo ông Thịnh, hai tình huống này phản ánh tiềm năng của Việt Nam trong việc duy trì đà tăng trưởng ổn định, bất chấp những thách thức từ bối cảnh kinh tế toàn cầu. Sự khác biệt giữa hai tình huống phụ thuộc vào hiệu quả của các chính sách hỗ trợ và cách ứng phó với biến động kinh tế trong thời gian tới.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, mục tiêu 6,5 - 7%, phấn đấu 7,5% là khả thi nếu so sánh kết quả đạt được 2024 và triển vọng, tình hình chung thế giới và trong nước năm 2025 (cũng nằm trong dự báo sau điều chỉnh của các tổ chức vĩ mô quốc tế và trong nước).

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

Tuy nhiên, ông Việt cho rằng việc Chính phủ đặt ra kịch bản điều hành với mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ hơn, lên đến 8% đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá để kích hoạt mạnh mẽ hơn nữa động lực tăng trưởng mới đến từ đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh hay kinh tế phát thải carbon thấp.

"Bên cạnh việc duy trì và tận dụng tối đa cơ hội và vai trò của kinh tế đối ngoại (thương mại và đầu tư quốc tế) thì cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tư nhân và muốn vậy phải kích hoạt động lực tăng cầu tiêu dùng và hàng hóa dịch vụ trong nước", TS Nguyễn Quốc Việt gợi ý.

Hoài Lam

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tang-toc-but-pha-de-tang-truong-gdp-nam-2025-tren-8-227374.html