Tăng tốc, bứt phá, nỗ lực hoàn thành mục tiêu quy mô kinh tế đạt trên 500 tỷ USD
Ngày 5-5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự phiên khai mạc có: Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại biểu dự khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Trước giờ khai mạc Kỳ họp, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đã đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
Chủ trì và phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong không khí vui mừng của những ngày tháng lịch sử, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vừa tổ chức rất thành công các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân ta, đất nước ta.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Các luật, nghị quyết đã thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã và đang phục vụ hiệu quả cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để phát triển, phát huy mọi nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước theo đúng chủ trương của Đảng. Các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã quán triệt tinh thần quyết tâm rất cao, triển khai rất quyết liệt và đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Nhiều cán bộ, đảng viên đã tự nguyện hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị mình, vì sự phát triển của đất nước.
Trên cơ sở thống nhất tại phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ làm việc trong 37 ngày, chia thành 2 đợt, để xem xét, thảo luận và quyết định khối lượng công việc lớn nhất của các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về công tác lập hiến, lập pháp, Kỳ họp thứ 9 sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng “tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, sát thực tiễn”. Để triển khai nhiệm vụ này, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới trong phương pháp và quy trình thực hiện. Đặc biệt là sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, làm căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013 nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30-6-2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.
Với 54 dự án luật, nghị quyết thuộc công tác lập hiến, lập pháp, trong đó Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 34 dự án luật, 14 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, thuộc các lĩnh vực then chốt như: tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng - an ninh, tư pháp, tài chính - ngân sách, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Xem xét, thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh
Chủ tịch Quốc hội cho biết, về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét các báo cáo quan trọng của Chính phủ về: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 để bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phấn đấu tăng trưởng 8% năm 2025 và 2 con số trong các năm tiếp theo.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Trong thời gian diễn ra Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào những lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân và công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2025, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Đưa quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD
Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 5-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Về đánh giá bổ sung kết quả năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các nhận định, kết quả năm 2024 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp trước cơ bản phù hợp và có nhiều chỉ tiêu đạt tốt hơn; đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
Theo đó, kinh tế phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo Quốc hội là 6,8 - 7%), cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới; nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, tăng 3 bậc, vươn lên vị trí thứ 32 thế giới. GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 4.700 USD, tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao.
Chính phủ nhận định, thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Tình hình khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất, sản phẩm và xuất khẩu với quyết tâm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nắm chắc diễn biến, tình hình khu vực và thế giới, chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, không để bị động, bất ngờ; kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, cổ vũ mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt...
B.T – TTXVN
Thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Chiều 5-5, với 452/452 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,56% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương. Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ủy ban gồm 15 thành viên. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban. Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp; giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.