Tăng tốc chỉnh trang, xanh hóa những dòng kênh

Theo dòng lịch sử, các dòng sông, kênh ở TP Hồ Chí Minh với nét đẹp văn hóa trên bến dưới thuyền đã gắn liền với tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, sự phát triển đô thị.

Thành phố hôm nay đã và đang không ngừng nâng cấp các hệ thống hạ tầng, mạng lưới kênh, rạch... trong đó, dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là một trọng điểm nổi bật.

Dưới cái nắng oi gắt của mùa khô, tại công trình thuộc Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, những giọt mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt hàng trăm cán bộ, nhân viên, kỹ sư, người lao động đang miệt mài thi công xuyên suốt ngày đêm với tinh thần "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", tập trung thi công “3 ca, 4 kíp”. Tuy vất vả nhưng người lao động đều phấn chấn, tập trung thi công vượt tiến độ, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường...

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang dần hồi sinh. Ảnh: MINH QUÂN

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang dần hồi sinh. Ảnh: MINH QUÂN

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, Dự án hiện đã đạt hơn 45% khối lượng công việc. Phần lớn các gói thầu đã hoàn tất hạng mục lắp đặt kè bê tông dự ứng lực, hệ thống hào kỹ thuật và cống thoát nước để chuẩn bị thi công mặt đường hai bên bờ kênh. Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh khẳng định, nếu nhà thầu chậm tiến độ, ban quan lý sẽ thực hiện phạt hợp đồng.

Toàn tuyến kênh có chiều dài gần 32km, đi qua các quận: Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, 12 và huyện Bình Chánh. Đây là tuyến kênh dài nhất được đầu tư xây dựng hiện nay tại TP Hồ Chí Minh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, gồm các hạng mục xây dựng kè bê tông hai bờ kênh, làm đường rộng 7-12m, lắp đặt hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh cùng 19 cống thoát nước và 12 bến thuyền. Toàn tuyến kênh hiện có 16 cây cầu bắc ngang và Thành phố đang có kế hoạch bổ sung cầu quy mô lớn trong tương lai. Toàn tuyến kênh sẽ được nạo vét với chiều rộng đáy kênh từ 30 đến 90m, sâu 5m. Dự án khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ đóng góp lớn vào việc giải quyết căn cơ tình trạng tắc đường, ngập nước, thúc đẩy kinh tế-xã hội; đặc biệt là chỉnh trang, phát triển hạ tầng, bộ mặt đô thị dọc tuyến.

Cách hiện trường thi công không xa, bà Lê Lý Mai, sinh năm 1958, ở quận Tân Bình, cho biết: "Trước kia, nước tại dòng kênh đen ngòm, rác hai bên bờ chất thành đống, bốc mùi rất khó chịu, không khác gì dòng nước chết. Kể từ khi dự án được triển khai, rác thải được dọn sạch, màu nước trong hơn. Những cọc bê tông cắm xuống xây lên bờ kè vững chắc, dòng kênh như bùng lên sức sống mới”.

Hòa vào không khí hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dự kiến một số đoạn đường ven kênh đi qua các quận 12, Gò Vấp và Tân Bình sẽ được trải nhựa trong tháng 4 và thông xe vào dịp lễ 30-4. Toàn bộ dự án bao gồm hai tuyến đường ven kênh sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2025.

Ông Đậu An Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Tuyến kênh này sẽ trở thành trục thoát nước chính cho gần 15.000ha khu vực xung quanh, đồng thời giúp giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1 nhờ hai tuyến đường dọc kênh. Dự án còn tạo điều kiện phát triển giao thông thủy, kết nối TP Hồ Chí Minh với tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm với Đồng Nai, Bình Dương qua sông Sài Gòn”.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/tang-toc-chinh-trang-xanh-hoa-nhung-dong-kenh-821925