Tăng tốc, kinh tế số Việt Nam chạm mốc 36 tỷ USD
Để nền kinh tế số Việt Nam có thể sớm cán mốc 90-200 tỷ USD vào năm 2030, ngành công thương sẽ triển khai những giải pháp gì, đâu sẽ là những trụ cột mới?
Con đường tiến lên kinh tế số
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang từng bước phục hồi sau thời kỳ khó khăn kéo dài, từ khóa "kinh tế số" ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, như một hướng đi tất yếu của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã sớm đề ra Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025 tập trung vào các trụ cột như: thương mại điện tử, logistics và công nghiệp, năng lượng.
Đây đồng thời cũng là ba lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế số của ngành công thương. Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, đây thời điểm để Việt Nam xây dựng những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng công nghệ để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Dẫn chứng báo cáo "Kinh tế số Đông Năm Á năm 2024" do Google và Temasek công bố, ông Hoài ước tính quy mô nền kinh tế số Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái.
Trong đó, thương mại điện tử được xem là trụ cột dẫn dắt nền kinh tế số Việt Nam khi đóng góp tới 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế số.
"Năm 2024 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", Thứ trưởng nói.
Dự kiến, đến năm 2030, nền kinh tế số Việt Nam có thể cán mốc 90-200 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng cao, theo Google và Temasek.
Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu này, lãnh đạo Bộ Công thương kêu gọi vai trò kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp, để từ đó thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, cũng như đề xuất chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành công thương hiệu quả, bền vững.
Ba trụ cột của ngành công thương
Dù đã chỉ ra được ba trụ cột trong nền kinh tế số là: thương mại điện tử, logistics và công nghiệp, năng lượng, nhưng để biến các trụ cột này thành lợi thế của Việt Nam theo các chuyên gia không phải điều đơn giản.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và truyền thông nhận định, hoạt động bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua.
Bình quân, mỗi người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến bốn lần mỗi tháng. Tổng doanh thu B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) trong năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước, với tốc độ tăng trưởng 25%, cao hơn mức 20% của năm 2022.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra hai thách thức lớn trong chuyển đổi số của ngành này là thiếu nền tảng công nghệ và hạ tầng hỗ trợ hạn chế.
Một khảo sát của liên bộ Công thương, và Thông tin và truyền thông tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, trong tháng 9 và 10 vừa qua cho thấy, chỉ 3,5% trong số 2.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đang áp dụng công nghệ số.
Phần lớn (96%) các doanh nghiệp vẫn chưa triển khai công nghệ, khiến ông Tuấn lo ngại rằng nếu không nhanh chóng thay đổi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất lợi thế ngay trên sân nhà.
Các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Shein hay Temu từ Trung Quốc đang tạo sức ép lớn với tốc độ giao hàng nhanh, ưu đãi hấp dẫn. "Nếu không sớm chuyển đổi, nhiều cửa hàng trong nước có nguy cơ phải đóng cửa", ông Tuấn nói.
Với lĩnh vực logistics, đại diện Grab Việt Nam tin rằng, việc xây dựng một nền tảng đa dịch vụ chính là "chìa khóa". Theo đó, ứng dụng gọi xe 10 năm trước nay đã phát triển thành siêu ứng dụng với hơn 15 loại hình dịch vụ, từ di chuyển, giao nhận đồ ăn, đến vận chuyển hàng hóa...
Nhờ nền tảng đa dịch vụ, các đối tác tài xế cũng có nhiều cơ hội thu nhập hơn. Chẳng hạn, so với ngày đầu ra mắt dịch vụ GrabBike vào năm 2014, tính trung bình trong năm 2024 đối tác tài xế Grab 2 bánh có số chuyến xe tăng thêm đến 30% trong một giờ trực tuyến trên nền tảng.
Ông Alejandro Osorio, CEO Grab Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đang đặt tầm nhìn dài hạn tại Việt Nam với ba trọng tâm chính gồm: mở rộng dịch vụ tới các khu vực chưa được phục vụ đầy đủ, hỗ trợ các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng công cộng, và ứng dụng công nghệ đột phá, nuôi dưỡng tài năng công nghệ trong nước.
Còn với lĩnh vực công nghiệp, ông Phạm Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương đánh giá, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngành này vẫn ở mức thấp.
Hạn chế của ngành này liên quan tới vấn đề nguồn nhân lực, mô hình quản trị còn lạc hậu và vẫn bị phụ thuộc vào các công nghệ nhập khẩu.
Ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội cho rằng, việc ứng dụng các công nghệ mới, chuyển đổi sang các nhà máy thông minh, dây chuyền sản xuất tự động hóa cao sẽ là giải pháp cho ngành công nghiệp.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tang-toc-kinh-te-so-viet-nam-cham-moc-36-ty-usd-d38079.html