Tăng tốc phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thủ đô

Thành phố Hà Nội là một trong các địa phương tích cực đưa ra các chính sách về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đã đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, kết quả hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Do đó, Hà Nội vẫn cần có một số chính sách đồng bộ, kịp thời và đột phá hơn nữa để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Khẳng định vị thế

Hiện nay, việc phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh trạnh của nông sản hàng hóa, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao là một trong những doanh nghiệp đi đầu về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội. Ảnh: Đóng gói nấm

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao là một trong những doanh nghiệp đi đầu về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội. Ảnh: Đóng gói nấm

Tính đến hết năm 2023, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Đến nay, Hà Nội có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 262 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 119 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản; tập trung nhiều ở các huyện: Hoài Đức, Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

Hà Nội có 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, khoảng 20 doanh nghiệp bước đầu đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Một số mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường. Tiêu biểu là: Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng); Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); mô hình thực hiện ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ sử dụng hệ thống máy nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất lúa tại xã Vĩnh Quỳnh, xã Đại Áng và Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì);...

Tại các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ được lựa chọn ứng dụng chủ yếu là các công nghệ, thiết bị thông minh trong quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng, giúp giảm nhân công lao động, tăng chất lượng và sản lượng nông sản. Điển hình, lĩnh vực trồng trọt ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật IoT, công nghệ không sử dụng đất, công nghệ Blockchain, công nghệ nhân nuôi tế bào thực vật quy mô công nghiệp, công nghệ hàng không trong phòng trừ dịch bệnh trên lúa... Lĩnh vực chăn nuôi sử dụng công nghệ chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi; dây chuyền cho ăn tự động, uống nước tự động; công nghệ thụ tinh nhân tạo, tinh phân ly giới tính, sản xuất phôi và cấy phôi; xử lý môi trường bằng các công nghệ tiên tiến (CDM, biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học…). Nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ tạo dòng chảy và sục khí (sông trong ao), sử dụng chế phẩm sinh học và hệ thống tạo ô xy tự động trong nuôi thủy sản, công nghệ biofloc…

Các chuyên gia khuyến nghị 4 nhóm giải pháp

Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng chú ý nhưng việc phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ cao chưa đồng bộ, mới chỉ tập trung vào khâu sản xuất, công đoạn thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn áp dụng quy trình thủ công nên phát triển thiếu ổn định; công nghệ được lựa chọn ứng dụng chưa đa dạng và chưa có tính đột phá; chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao...

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra 4 giải pháp. Theo đó, thành phố cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; hoàn thiện tiêu chí doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ; hoàn thiện chính sách đất đai thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất; sớm ban hành chính sách và định mức kinh tế kỹ thuật trong việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, trí tuệ nhân tạo…

Thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận các nguồn lực; cần sớm xác lập quyền tài sản (nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu...) trên đất nông nghiệp để doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ sở vay vốn; mở rộng các tiêu chuẩn để các cơ sở sản xuất lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng…

Đồng thời, thành phố cần lựa chọn các công nghệ phù hợp với tình hình thực tế để chuyển giao, áp dụng vào sản xuất; có chính sách về thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo, ươm tạo, chuyển giao, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đặt hàng các đơn vị nghiên cứu, trong đó, ưu tiên những nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học...

Bên cạnh đó, Hà Nội cần chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cung cấp cho nông dân kiến thức, kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại, giúp họ thay đổi kỹ năng sản xuất, hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất…

Bài và ảnh Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-toc-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-thu-do-683647.html