Tăng tốc thực hiện mục tiêu xuất khẩu lao động ngay từ đầu năm
Những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhờ đó công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã có nhiều khởi sắc. Phát huy kết quả đã đạt được trong năm 2022, bước vào năm 2023 các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp hướng tới hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao về XKLĐ. Đến hết tháng 2/2023, toàn tỉnh đã đưa 226 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 16,1% kế hoạch năm.
Mỗi năm đưa 8 lao động đi xuất khẩu được xác định là chỉ tiêu cứng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã Yên Từ (Yên Mô), song việc hoàn thành mục tiêu này đối với địa phương không hề dễ dàng.
Giải thích lý do vì sao công tác XKLĐ của xã còn chưa tương xứng với thực tế, ông Nguyễn Đình Đạt, cán bộ lao động, thương binh và xã hội xã Yên Từ cho biết: Với việc phát triển mạnh về công nghiệp trong những năm qua ở huyện Yên Mô, người dân địa phương không khó để tìm được việc làm phù hợp trong các doanh nghiệp gần nhà. Đa số, lao động trẻ ở Yên Từ chọn giải pháp đi làm việc ngay sau khi tốt nghiệp THPT mà không có nguyện vọng thi đại học. Ngoài ra, ở độ tuổi trung niên người lao động vẫn có thể kiếm thêm thu nhập nhờ nghề phụ như đan cói. Điển hình như thôn Nộn Khê, hầu hết các gia đình trong thôn đều làm nghề đan cói. Tuy chưa mang lại thu nhập khá, song nếu làm chăm chỉ thì mỗi lao động cũng có được trên 100 nghìn đồng/ngày công. Số hộ nghèo của xã tính đến cuối năm 2022 chỉ còn 36 hộ, chiếm tỷ lệ 1,56%.
Có việc làm với mức thu nhập ổn định đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân xã Yên Từ. Tuy nhiên, để tìm được hướng đi đột phá, tạo sức bật để thúc đẩy kinh tế gia đình vươn lên mạnh mẽ thì XKLĐ vẫn là hướng đi mà địa phương chú trọng. Thực tế cho thấy, nhiều lao động sau khi đi xuất khẩu trở về đã có cuộc sống thực sự ổn định, khá giả. Gia đình chị Nguyễn Thị Nhung ở thôn Nộn Khê là một ví dụ. Vợ chồng chị Nhung lấy nhau với hai bàn tay trắng. Chăm chỉ làm ruộng, ngoài ra chồng chị Nhung làm thêm nghề sửa xe máy song nguồn thu nhập cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống tối thiểu cho gia đình nhỏ.
"Muốn kinh tế gia đình phát triển và thực sự bền vững để có điều kiện chăm lo tốt việc học hành cho các con thì chúng tôi cần phải có hướng đi khác. Nghĩ vậy, vợ chồng tôi bàn nhau để tôi đi XKLĐ mấy năm tại Nhật Bản. Sau hơn 3 năm làm việc ở nước ngoài tôi về nước, hiện tôi vẫn đi làm cho một công ty ở gần nhà. Có khoản tiền tiết kiệm, vợ chồng tôi đã xây dựng được ngôi nhà hai tầng khang trang, rộng rãi. Còn dư, chúng tôi đầu tư thêm vào xưởng sửa xe máy của chồng. Nhìn chung, khi có vốn rồi thì việc tạo sinh kế cho chính mình cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều"- chị Nhung nói.
Sự đổi thay rất đáng kể về kinh tế của những người đi XKLĐ trở về như chị Nhung có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều người dân đã chú ý hơn đến hướng đi hiệu quả này thay vì tìm một việc làm ở gần nhà. Nhờ đó, năm 2022, lần đầu tiên xã Yên Từ vượt chỉ tiêu về XKLĐ với việc đưa được 11 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Phát huy kết quả đã đạt được, ngay từ đầu năm 2023, xã Yên Từ tích cực phối hợp với ngành chức năng, doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức để cung cấp thêm cho bà con những thông tin hữu ích về XKLĐ. Từ đó sẽ giúp người lao động địa phương có cơ sở để lựa chọn những đơn vị có uy tín tham gia xuất khẩu lao động. Địa phương cũng tuyên truyền để người lao động tích cực học nghề, trang bị nhiều kỹ năng cần thiết để có thể tham gia vào thị trường lao động có thu nhập cao hơn.
Các doanh nghiệp may mặc thu hút nhiều lao động trẻ của huyện Yên Mô.
Để đưa cơ hội làm việc ở nước ngoài đến với nhiều lao động, nhất là lao động ở vùng xa, lao động có hoàn cảnh khó khăn…, huyện Yên Mô đã tạo điều kiện để các đơn vị được cấp phép đến địa bàn khảo sát, tuyển dụng lao động đi xuất khẩu. Địa phương cũng cũng chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị liên quan xây dựng chỉ tiêu kế hoạch về công tác lao động việc làm, trong đó có công tác XKLĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên đài truyền thanh 3 cấp, các hội nghị của các tổ chức, đoàn thể; cấp giấy giới thiệu cho các doanh nghiệp xuống trực tiếp các xã, thị trấn để tuyên truyền cho người dân, cung cấp thông tin về các thị trường XKLĐ có uy tín và thu nhập cao, các chính sách hỗ trợ đối tượng đi XKLĐ...
Đồng thời chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã tăng cường công tác theo dõi, quản lý, báo cáo tình hình XKLĐ trên địa bàn. Từ đầu năm 2023 tới nay, huyện Yên Mô đã đưa được 55 lao động đi xuất khẩu, đạt tỷ lệ trên 36,6% kế hoạch huyện giao.
Trong giai đoạn 2015-2022, toàn tỉnh có trên 8.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đặc biệt, sau một thời gian đóng băng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm 2022, tỉnh ta đã vượt chỉ tiêu về XKLĐ với trên 1.550 lao động đi xuất khẩu. Bằng số tiền lương nhận được, những lao động đi xuất khẩu đã nâng đáng kể kinh tế của gia đình, thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê. Với những kết quả tích cực đó, trong năm 2023, tỉnh ta tiếp tục đặt mục tiêu đưa 1.400 lao động đi xuất khẩu. Với việc chủ động, tích cực ngay từ đầu năm của các địa phương, đến hết tháng 2/2023, toàn tỉnh đã đưa 226 người đi xuất khẩu, đạt 16,1% kế hoạch năm.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, TBXH khẳng định: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cung cấp các thông tin hữu ích về XKLĐ đến tận cơ sở, từ đó tạo điều kiện cho người lao động lựa chọn thị trường phù hợp. Cùng với đó, xác định công tác tạo nguồn lao động đi xuất khẩu trong các cơ sở đào tạo nghề sẽ là một trong những hướng đi mới, nhiều tiềm năng và phù hợp với thực tiễn.
Các nhà trường chính là cầu nối, là kênh hỗ trợ thông tin tốt nhất, chính xác nhất cho các học viên về thị trường XKLĐ. Hướng đi này đang dần khẳng định được tính phù hợp và được học viên, phụ huynh quan tâm. Bởi vậy, thời gian tới, các cơ sở đào tạo nghề cần phát huy hiệu quả của hướng đi này, nhằm đưa cơ hội việc làm với mức lương tốt đến với nhiều học viên hơn nữa. Sau khi được đào tạo nghề thì khi được làm việc tại các thị trường lao động khắt khe sẽ là một "phép thử" quý giá cho các học viên, để các em có thêm cơ hội tích lũy kiến thức, kỹ năng, ý thức và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Khi đã hội tụ đầy đủ các kỹ năng này, các em có thể tự tin và thành công ở bất cứ thị trường lao động nào.