Tăng trần có nâng được tầm?

Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên đường bay nội địa được quy định tại thông tư này đã được áp dụng từ ngày 1/7/2019.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh Tiến Đạt

Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh Tiến Đạt

Theo đó, mức giá mới cao hơn từ 100.000 đến 250.000 đồng tùy từng chặng. Cụ thể, các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều. Trong khi theo quy định hiện hành, con số này là 2,2 triệu đồng/vé. Đặc biệt đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá trần được đề xuất là 4 triệu đồng, cao hơn quy định hiện hành 250.000 đồng.

Đây là câu chuyện đã được dự báo từ trước, bởi trong thời gian qua, các hãng hàng không đã rất nhiều lần kêu gọi tăng trần, thậm chí là bỏ trần giá vé máy bay. Câu chuyện giữ hay bỏ giá trần vé máy bay vừa được ngã ngũ khi mới đây trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Giá sửa đổi, đa số đại biểu cho rằng cần giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Điều này có nghĩa, ít nhất trong thời gian tới, giá trần vé máy bay vẫn sẽ tồn tại. Thế nhưng, không có nghĩa là mức giá trần này được giữ nguyên. Và, động thái mới nhất của Bộ GTVT khi lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT là câu trả lời.

Trên thực tế, việc tăng trần giá vé máy bay mang theo rất nhiều kỳ vọng về việc sẽ tăng chất lượng dịch vụ cũng như tính cạnh tranh giữa các hãng hàng không. Nhiều ý kiến cho rằng, khi mức trần giá vé được nới rộng, các hãng bay sẽ có điều kiện đưa ra những dịch vụ chất lượng cao với mức giá cao hơn. Đối tượng chủ yếu mà phân khúc dịch vụ này hướng tới là những hành khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ cao cấp. Đây cũng là phân khúc mà nhiều dịch vụ vận tải hành khách khác như đường sắt, đường bộ hướng tới.

Nói một cách dễ hiểu, tăng trần giá vé máy bay được kỳ vọng sẽ giúp nâng tầm dịch vụ hàng không, hướng tới những dịch vụ chất lượng hơn, cao cấp hơn. Nếu chủ trương này thật sự phát huy hiệu quả đúng như kỳ vọng, có thể coi đây là đợt thí điểm hữu ích cho các DN hàng không trước khi mở rộng với đường bay quốc tế. Bởi xét cho cùng, nguồn lực chính để ngành hàng không của một quốc gia phát triển vẫn là bay quốc tế và hành khách nước ngoài.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc tăng trần giá vé máy bay nội địa không có những điểm gợn. Điểm gợn đầu tiên đến từ chính hai chữ “nội địa”, tức đối tượng hành khách chịu ảnh hưởng nhất sẽ là người dân trong nước. Điểm gợn thứ hai là việc tăng trần giá vé máy bay áp dụng với những đường bay trên 500 km. Nếu nhìn qua có thể lầm tưởng chủ trương này không ảnh hưởng đến toàn bộ người dân mà vẫn có những lựa chọn khác cho họ.

Song, với quãng đường di chuyển dưới 500 km, thử hỏi có mấy người lựa chọn đi máy bay? Đặc biệt, đường bay chịu mức tăng trần giá vé cao nhất là từ 1.280 km, chẳng cần nói mọi người cũng hiểu, đó chính là trục bay vàng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Nên nhớ, sau đại dịch Covid-19, chính nguồn lực trong nước đã góp phần không nhỏ giúp hàng không phục hồi. Bây giờ, cũng chính những hành khách nội địa sẽ phải chịu thiệt thòi khi tăng trần giá vé máy bay. Việc tăng trần giá vé có đi đôi với nâng tầm ngành hàng không hay không, vẫn cần chờ thời gian để có câu trả lời. Song, thiệt thòi của hành khách đi máy bay trong nước khi tăng trần giá vé là thứ nhãn tiền, ai cũng có thể nhìn rõ.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-tran-co-nang-duoc-tam.html