Tăng trưởng 2019: Tập trung giải quyết điểm nghẽn 'thể chế'
Mặc dù động lực tăng trưởng, tiềm năng cho tăng trưởng vẫn còn nhiều, nhưng để đạt mục tiêu GDP tăng 6,8% trong năm 2019, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó trước mắt là giải quyết ngay những quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp FDI góp phần rất quan trọng vào tăng trưởng GDP. Trong ảnh: Xưởng hàn khung xe ôtô tại Công ty TNHH Ford Việt Nam, tỉnh Hải Dương. Ảnh: TTXVN
Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Theo đó, Chính phủ phấn đấu GDP năm 2019 tăng khoảng 6,8%, kiểm soát tốc độ tăng CPI dưới 4%. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mục tiêu này có khả năng đạt được, tuy nhiên, sẽ gặp nhiều thách thức lớn bởi tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, khó lường và những khó khăn nội tại của nền kinh tế.
Thách thức lớn cho năm 2019
Năm 2018 kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng tới 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua và vượt chỉ tiêu 6,7% Quốc hội đề ra. Nhận xét về kết quả này, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu kép - vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là tiền đề để kỳ vọng vào triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục khả quan, nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh được củng cố.
Dự báo về kinh tế Việt Nam cho các năm 2019 - 2020, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng “cho dù bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng vững, song song với lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá tương đối ổn định”.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, mặc dù ông lạc quan về nền kinh tế đất nước trong năm 2019, nhưng để đạt được các mục tiêu đã đặt ra cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp.
PGS,TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cũng cho rằng, kết quả đạt được của năm 2019 sẽ tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định xã hội trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, nhìn rộng ra cả 5 năm vừa qua và trong thời gian tới, có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là trong vấn đề tăng trưởng.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát đi hồi cuối năm 2018 cũng cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn những rủi ro đang tích tụ, theo hướng xấu đi.
“Trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài. Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài. Trong nước, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng trưởng và gia tăng các nghĩa vụ cho khu vực công”, bản báo cáo nhận định.
Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế. Trong khi đó, nhiều dự báo không mấy lạc quan về kinh tế thế giới với mức tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn yếu tố khó lường. Theo Tổng cục Thống kê, WB; IMF và OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 xuống 3,5%. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế chủ chốt không còn diễn ra đồng đều trên diện rộng như năm 2017 và đầu năm 2018, động lực của các nền kinh tế lớn suy giảm, hầu hết các nền kinh tế đang nổi tăng trưởng chậm lại.
Không chỉ là tác động từ kinh tế thế giới, việc tăng trưởng trong nước phụ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài cũng là thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế năm 2019. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lo ngại, thách thức lớn nhất chúng ta đang phải đối mặt là tốc độ tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia, nếu các tập đoàn này không phát triển hoặc gặp khó thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Phân tích về những khó khăn nội tại của nền kinh tế, PGS,TS. Đặng Văn Thanh cho rằng, thực tế, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế năm 2018 đạt cao nhất trong 10 năm qua, nhưng vẫn thấp so với những năm 90 của thế kỷ trước và quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng không cao. Biểu hiện chất lượng tăng trưởng không cao được phản ánh qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như: hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh doanh, cân đối ngân sách, nợ công, các lĩnh vực y tế, văn hóa giáo dục, thị trường lao động, thị trường hàng hóa, thị trường tài chính, thị trường khoa học công nghệ… Đây sẽ vẫn là những vấn đề cần được lưu ý trong năm 2019.
Không để tình trạng “ngâm lâu”
Những khó khăn, thách thức đối với kinh tế Việt Nam đã thể hiện rõ ngay từ đầu năm khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP quý I năm 2019 chỉ là 6,58%. Mức tăng này thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng quý I của kịch bản theo phương án thấp đã được đưa ra từ cuối 2018.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, tăng trưởng quý I đạt thấp hơn kế hoạch có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân quan trọng nhất là những rào cản, trì trệ, sự chậm trễ của các cơ quan chức năng đã tác động tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Nhận rõ những khó khăn, thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng năm 2019, Chính phủ đã sớm có những biện pháp chủ động giải quyết, khắc phục. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của năm 2019.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, kỳ vọng hoàn thành nhiệm vụ tăng trưởng không hề đơn giản, do đó, không được chủ quan, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, nhất là Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP để thúc đẩy xử lý, giải quyết mạnh mẽ hơn, ý chí mãnh liệt hơn, hành động hiệu quả hơn.
Nhận rõ những rào cản, trì trệ đến từ sự chậm trễ của các cơ quan nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh “Thể chế là số một” và yêu cầu trước hết, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, không được để chậm trễ, không để tình trạng “ngâm lâu”, cởi bỏ ngay một số quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng cũng lưu ý, cần khắc phục tồn tại, yếu kém trong khâu phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương tập trung chỉ đạo cải cách hành chính thực chất hơn; tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; khắc phục hiệu quả các tồn tại, hạn chế hiện nay trong công tác phối hợp. Rà soát, hoàn thiện quy định, đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, dịch vụ công, bảo đảm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019; quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân; trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong việc đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, địa phương thực hiện và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình giải ngân của các Bộ, cơ quan, địa phương tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ để xây dựng các nhiệm vụ cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm thúc đẩy, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt, hiệu quả hơn, củng cố niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, không để tình trạng chậm trễ như hiện nay.
Theo Thủ tướng, các giải pháp trên được triển khai hiệu quả, đồng bộ, kịp thời, cả phía “cầu” và phía “cung”, thì có thể đạt mức tăng trưởng trên 7%.