Tăng trưởng ấn tượng, tạo đà cán đích các mục tiêu phát triển năm 2024: (Bài 3) - Du lịch là điểm sáng

Với việc đón gần 9,8 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, ngành 'công nghiệp không khói' đã trở thành điểm sáng trong bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong 6 tháng đầu năm 2024.

Công viên nước SunWorld Sầm Sơn được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi cơ cấu thị trường khách đến Thanh Hóa trong thời gian tới.

Công viên nước SunWorld Sầm Sơn được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi cơ cấu thị trường khách đến Thanh Hóa trong thời gian tới.

Mục tiêu của ngành du lịch Thanh Hóa trong năm 2024 là đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 32.387 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm tỉnh Thanh Hóa đã tập trung tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch như: Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh “Một hành trình - Nhiều trải nghiệm” (sự kiện Bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2024”; Hội nghị liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng mở rộng, tại tỉnh Bắc Giang; đón đoàn famtrip, presstrip các tỉnh, thành đến từ Tây Bắc và Đông Nam bộ; quảng bá du lịch Thanh Hóa tại các cảng hàng không lớn trong nước và trên kênh truyền hình quốc tế CNN; làm việc với đại diện Tập đoàn BBC (Vương quốc Anh) về kế hoạch hợp tác quảng bá du lịch Thanh Hóa trong thời gian tới... Cùng với đó, các khu, điểm, doanh nghiệp du lịch đã thực hiện nhiều biện pháp kích cầu, tập trung làm mới sản phẩm hiện có và phát triển sản phẩm du lịch mới.

Sau 6 tháng triển khai, hoạt động du lịch của tỉnh đã cho thấy những gam màu sáng về lượng khách và doanh thu, tiếp tục khẳng định sức hút đối với du khách trên bản đồ du lịch Việt. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), 6 tháng đầu năm 2024 các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã đón gần 9,8 triệu lượt khách, tăng 16,1%; tổng thu du lịch ước đạt 19.848,5 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Vương Thị Hải Yến chia sẻ: Trong nửa đầu năm 2024, tỉnh đã tập trung triển khai có hiệu quả các hoạt động liên kết, quảng bá, xúc tiến đến các thị trường du lịch trọng điểm trong nước. Cùng với đó là việc đưa vào khai thác một số sản phẩm, điểm đến mới và tổ chức hiệu quả các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Mặt khác, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc tập trung làm mới sản phẩm du lịch hiện có, đầu tư phát triển sản phẩm mới mang tính trải nghiệm. Nhờ đó mức chi tiêu và số ngày lưu trú của du khách dần cải thiện một cách tích cực, góp phần nâng tổng doanh thu trong 6 tháng đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là cơ sở quan trọng để du lịch Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu trong năm 2024.

Từ nay đến cuối năm, dự báo lượng khách đến Thanh Hóa tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực. Chính vì vậy, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã, đang bám sát các xu hướng phát triển du lịch, duy trì việc thu hút nguồn khách từ thị trường truyền thống, đồng thời đẩy mạnh tiếp cận các nguồn khách mới. Đặc biệt, khi các dịch vụ vui chơi giải trí của Sun Group tại TP Sầm Sơn và Flamingo Ibiza Hải Tiến được đưa vào khai thác đồng bộ, kết hợp với chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn sẽ là cơ sở để các đơn vị lữ hành khai thác dòng khách có khả năng chi trả cao. Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường cần có sự quan tâm, định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo Phó Tổng Giám đốc GBest Việt Nam Nguyễn Thị Hà: “Để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đã đề ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phát huy hơn nữa vai trò “nhạc trưởng”. Trong đó, cần tăng cường công tác dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, định hướng doanh nghiệp xây dựng sản phẩm phù hợp, mở rộng thị trường trong tình hình mới. Cùng với đó, đổi mới các chương trình quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch; tập trung các nguồn lực để đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới, góp phần tăng sức cạnh tranh của điểm đến... Đặc biệt, cần tiếp tục xúc tiến nhằm mở thêm các đường bay đến Thanh Hóa để thu hút khách”.

Mặc dù lượng khách đến Thanh Hóa đang có đà tăng trưởng tốt, nhưng thực tế hoạt động du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: dòng khách du lịch phân khúc cao cấp và khách du lịch quốc tế còn hạn chế; mức chi tiêu và thời gian lưu trú còn thấp; thiếu sản phẩm, dịch vụ du lịch trải nghiệm tại một số trọng điểm du lịch; một số dự án đầu tư du lịch chậm tiến độ... Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo Nghị quyết số 82/NQ-CP, ngày 18/5/2023 của Chính phủ. Cùng với đó, duy trì các điều kiện đón, tiếp khách an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện; tuyên truyền và phát động chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”, “Người Thanh Hóa đi du lịch Thanh Hóa”, nhằm thúc đẩy thu hút thị trường khách nội địa. Đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước về du lịch sẽ được tăng cường, trong đó tập trung kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch và các chương trình kích cầu du lịch, đảm bảo “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”.

Công viên nước SunWorld Sầm Sơn được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi cơ cấu thị trường khách đến Thanh Hóa trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Hoài Anh

Bài 4: Nông nghiệp tạo nền tảng cơ bản.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tang-truong-an-tuong-tao-da-can-dich-cac-muc-tieu-phat-trien-nam-2024-bai-3-du-lich-la-diem-sang-219574.htm