Tăng trưởng GDP: Kết quả 2022, kỳ vọng 2023
Tăng trưởng GDP không chỉ là kinh tế, mà có quan hệ đến nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, do vậy, tăng trưởng GDP cần được quan tâm đặc biệt...
Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2022 phục hồi tích cực với những tiến triển tốt và đồng đều trên cả 3 khu vực, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,36%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%; dịch vụ tăng 9,99%.
KẾT QUẢ TÍCH CỰC 2022
Kết quả tích cực về GDP năm 2022 được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.
Ở góc độ thứ nhất, tốc độ tăng GDP những năm gần đây có một số điểm vượt trội (biểu đồ 1), thể hiện ở một số điểm chủ yếu.
(1) Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt liên tục trong thời gian dài (42 năm), đứng hàng đầu thế giới (chỉ thấp thua kỷ lục 45 năm do Trung Quốc hiện nắm giữ).
(2) Tăng trưởng GDP của Việt Nam cao lên trong thời gian 2015-2019 và lần đầu sau nhiều năm vượt qua mốc 7% trong năm 2018 và 2019. Do đại dịch Covid-19 xuất hiện năm 2020, bùng phát năm 2021, nên 2 năm này tốc độ tăng thấp chỉ bằng trên dưới một nửa mấy năm trước, nhưng vẫn nằm trong nhóm nước đứng hàng đầu thế giới có tốc độ tăng trưởng dương.
(3) Đặc biệt năm 2022, tăng trưởng GDP theo mục tiêu tăng 6-6,5%, nhưng ước thực tế đã có tốc độ tăng rất cao, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ đã vượt qua 8%.
Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành: nông, lâm, thủy sản tăng 3,36%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%; dịch vụ tăng 9,99%.
Nhóm ngành nông, lâm, thủy sản năm 2022, mặc dù tăng thấp nhất trong 3 nhóm ngành, nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng một số năm trước dịch (2012 tăng 2,87%, 2013 tăng 2,53%, 2015 tăng 2,51%, 2016 tăng 1,65%, 2019 tăng 2,67%, 2020 tăng 3,04%, 2021 tăng 3,27%) và cao hơn tốc độ tăng bình quân năm thời kỳ 2016-2021 (3,36% so với 2,98%). Điều đó chứng tỏ, nông, lâm nghiệp - thủy sản là bệ đỡ cho cả nước, khi 2 nhóm ngành còn lại gặp khó khăn và tạo tiền đề cho 2 ngành này bước vào giai đoạn phục hồi tăng trưởng, giúp cho tốc độ tăng chung phục hồi.
Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng năm 2022 tăng khá cao so với 2 năm trước (2020 tăng 4,38%, 2021 tăng 3,58%); tăng cao hơn so với tốc độ tăng bình quân năm thời kỳ 2016-2021 (7,78% so với 6,86%).
Trong nhóm ngành này, công nghiệp tăng khá (7,69%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất (8,10%), các ngành công nghiệp còn lại tăng khá (sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 7,05%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%); ngành xây dựng tăng 8,17%.
Nhóm ngành dịch vụ tăng rất cao, không chỉ cao hơn so với 2 năm trước, mà còn cao hơn tốc độ tăng bình quân năm trước đại dịch 2016-2019 (9,99% so với 7,53%).
Ở góc độ thứ hai, quy mô GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế thể hiện ở biểu đồ 2; theo đó, GDP tính bằng USD theo tỷ giá trung tâm bình quân năm 2022 của Việt Nam đạt kết quả tích cực trên 4 điểm.
(1) Nếu tính theo tỷ giá thực tế năm 2022 GDP của Việt Nam có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, tăng 70,6% so với năm 2015, bình quân một năm tăng 7,93%, một tốc độ tăng khá cao. Nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương (chênh với tỷ giá thực tế của năm 2020 là 2,44 lần), thì năm 2022 sẽ đạt 997 tỷ USD. Như vậy, GDP của Việt Nam có quy mô không nhỏ.
(2) Thứ bậc về quy mô GDP của Việt Nam (tính theo tỷ giá thực tế) được cải thiện ở Đông Nam Á (từ thứ 6 năm 2019 lên thứ 4 năm 2020 và khả năng lên thứ 3 năm 2022); ở Châu Á (từ thứ 15 năm 2019 lên 13 năm 2020 và khả năng lên thứ 11 năm 2022); trên thế giới (tăng từ 38 năm 2019, lên 36 năm 2020 và khả năng lên 33 năm 2022). Kết quả này đạt được chủ yếu do tốc độ tăng GDP của Việt Nam tăng cao hơn; tỷ giá hối đoái tăng thấp hơn.
(3) Với tổng GDP tính bằng USD (theo tỷ giá hối đoái như trên), với quy mô dân số trung bình năm qua các năm, thì GDP bình quân đầu người tính bằng USD (theo tỷ giá hối đoái) qua các năm như sau (biểu đồ 3). Theo đó, GDP bình quân đầu người theo tỷ giá hối đoái tăng liên tục; thứ bậc đã được cải thiện (ở Đông Nam Á đã tăng từ bậc 7 năm 2015 lên bậc 6 năm 2020, ước lên bậc 5 năm 2022); tương tự, ở châu Á cũng tăng từ bậc 30 năm 2015 lên bậc 26 năm 2020 và lên bậc 23 năm 2022, trên thế giới cũng tăng từ bậc 95 năm 2015 lên bậc 81 năm 2020 và lên bậc 77 năm 2022 với các nước và vùng kinh tế có số liệu so sánh.
(4) Nếu tính bằng USD theo tỷ giá PPP với hệ số chênh lệch qua một số năm theo quốc tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam qua một số năm thể hiện ở biểu đồ 4.
Như vậy, GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá PPP của Việt Nam đã tăng liên tục qua các năm và năm 2020 đã cán mốc 10.000 USD, mức rất quan trọng trên con đường phát triển. Thứ bậc được cải thiện trong các nước có số liệu so sánh trên Niên giám thống kê (ở Đông Nam Á đã tăng từ thứ 8 năm 2015 lên thứ 6 năm 2000 và có thể cao hơn trong năm 2021 và năm 2022; ở Châu Á tăng từ thứ 30 năm 2015 lên thứ 20 trong năm 2017, 2018, lên thứ 28 năm 2010, lên thứ 27 năm 2020 và khả năng cao
hơn trong các năm 2021, 2022).
Thứ bậc tăng có phần cơ bản do tăng trưởng GDP của Việt Nam có một phần quan trọng do tỷ giá VND/USD thực tế tăng chậm và một phần do chênh lệch tỷ giá còn lớn (năm 2021, chênh lệch tỷ giá của Việt Nam là 2,44 lần, cao thứ 3 Đông Nam Á, thứ 17 châu Á, thứ 64 thế giới) chủ yếu do giá nhân công rẻ.
Ở góc độ thứ ba, do sự lớn lên của các nhóm ngành khác nhau, nên cơ cấu các nhóm ngành trong GDP đã có sự chuyển dịch (biểu đồ 5).
Như vậy, cơ cấu GDP chuyển dịch theo hướng tỷ trọng của nông, lâm - thủy sản giảm, công nghiệp - xây dựng tăng (trong đó của công nghiệp chế biến, chế tạo (là tiêu chí của nước công nghiệp) đã tăng tương ứng 34,27% và 20,96% của năm 2015, lên 38,26% và 24,76% năm 2022); dịch vụ dù bị giảm do 2 năm đại dịch, nhưng chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 nhóm ngành.
Điều đó là phù hợp với định hướng của kế hoạch, chiến lược và phù hợp với xu hướng chung của nhiều nước.
Ở góc độ thứ tư, chất lượng tăng trưởng (thể hiện ở hiệu quả đầu tư và năng suất lao động) năm 2022 đã có sự chuyển biến quan trọng...
Quý vị độc giả có thể đặt mua ấn phẩm Kinh tế 2022-2023: Việt Nam và Thế giới tại đây.
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tang-truong-gdp-ket-qua-2022-ky-vong-2023.htm