Tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp ước đạt 3,83%
Trong năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức đan xen nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Nông nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện. Cụ thể, tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Kim ngạch xuất khẩu duy trì mức cao và đạt 53,01 tỷ USD, trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như rau quả 5,69 tỷ USD; gạo 4,78 tỷ USD, trong đó có gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân ngon nhất thế giới. Về xây dựng nông thôn mới, cả nước có khoảng 6.370 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1.612 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 256 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm), với 5.724 chủ thể tham gia…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các kết quả ngành Nông nghiệp đã đạt được trong năm 2023. Qua đó, đề nghị ngành Nông nghiệp trong năm 2024 cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, đó là tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi; định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường, bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng ngành. Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường. Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn…