Tăng trưởng GDP Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực
Năm 2023, những 'cơn gió ngược' đã làm chao đảo các động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tạo ra những bài toán hóc búa cho nhà điều hành. Dù vậy, nhiều sự kiện mang tính lịch sử cũng được ghi dấu, tạo nền tảng cơ bản vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong dài hạn. Hãy cùng điểm lại những sự kiện nổi bật nhất của bức tranh kinh tế Việt Nam năm vừa qua.
1.Tăng trưởng GDP Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực
Năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,05%. Mức tăng này tuy thấp hơn chỉ tiêu đề ra, song được đánh giá là khá cao và tích cực so với nhiều nền kinh tế khác, xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn ảm đạm. Các yếu tố giúp nền kinh tế có khả năng phục hồi bao gồm kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục, nỗ lực giải ngân đầu tư công, vốn FDI cao nhất kể từ năm 2020, dịch vụ trong nước được phục hồi.
2. FDI thực hiện duy trì đà tăng
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân vào Việt Nam cao kỷ lục là một điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế năm 2023. Tổng vốn FDI đăng ký vào nước ta năm qua đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 23 tỷ USD. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.
3. Kinh tế đối ngoại đạt nhiều thành tích nổi bật
Năm qua, lãnh đạo nhiều quốc gia đã có các chuyến công du đến Việt Nam. Ở chiều ngược lại, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng đã có nhiều chuyến thăm cấp cao đến các nước, ký kết hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực chủ chốt. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và một số đối tác như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU liên tục lập đỉnh. Năm qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD. Cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu ước đạt 30 tỷ USD, gấp gần 3 lần 2022. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.
4. Xuất khẩu gạo và rau quả lập kỷ lục lịch sử
Năm 2023 - xuất khẩu gạo và rau quả bứt phá mạnh. Kim ngạch xuất khẩu gạo ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng khoảng 30,4% so với năm 2022. Con số này giúp ngành gạo lập kỷ lục lịch sử về kim ngạch xuất khẩu kể từ năm 1989 đến nay. Cùng với gạo, năm 2023 xuất khẩu rau quả cũng chính thức lập kỷ lục lịch sử khi đạt 5,5 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng bùng nổ, thu về khoảng 2,3 tỷ USD, trở thành “trái cây tỷ USD” khi chinh phục được thị trường Trung Quốc.
5. Chính thức phê duyệt Quy hoạch điện VIII
Sau nhiều năm chuẩn bị, trình và sửa đổi, hoàn thiện, ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 500 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII. Bản quy hoạch này mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước
6. Làn sóng các doanh nghiệp bán dẫn quan tâm đến Việt Nam
Phát triển ngành bán dẫn được kỳ vọng nhiều sau khi Việt Nam - Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Mới đây, Chủ tịch Nvidia – tập đoàn bán dẫn lớn nhất của Mỹ đã tới thăm và bày tỏ mong muốn xây dựng cứ điểm tại Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn để thu hút nhân tài. Ngoài Mỹ, các tập đoàn lớn về lĩnh vực điện tử, công nghệ và bán dẫn như SBI Holdings, Renesas Electronic, Amkor cũng cho rằng Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng.
7. Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào hoạt động
Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức khai trương và đi vào hoạt động từ ngày 19/7 giúp phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, tăng tính thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
9. Lãi suất tiết kiệm chạm đáy, giá vàng cao kỷ lục
Giá vàng trong nước tăng mạnh, thiết lập ngưỡng kỷ lục mới những ngày cuối năm 2023, chạm mốc 80,3 triệu đồng/lượng vào ngày 26/12.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm được các ngân hàng đưa về mức đáy dưới 2%/năm.