Tăng trưởng GRDP quý I/2023 ở nhóm 'đèn đỏ', TP HCM cần động lực mới

Các chuyên gia cho rằng, kinh tế TP HCM vẫn hy vọng có sự phục hồi trong 2 quý tiếp theo. Song, về dài hạn, thành phố cần đẩy mạnh việc tạo ra những động lực mới thay thế cho động lực tăng trưởng cũ đã mất lợi thế.

Cục Thống kê TP HCM mới đây đã công bố số liệu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023. Theo đó, GRDP của TP HCM quý I/2023 ước đạt 360.622,1 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.

 TPHCM cần đẩy mạnh việc tạo ra những động lực mới thay thế cho động lực tăng trưởng cũ đã mất lợi thế

TPHCM cần đẩy mạnh việc tạo ra những động lực mới thay thế cho động lực tăng trưởng cũ đã mất lợi thế

Với con số này, tăng trưởng của TP HCM thấp nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, nằm ở nhóm "đèn đỏ" khi xếp hạng 56/63 địa phương.

TS. Trần Du Lịch đánh giá, con số trên khá bất ngờ và nằm ngoài dự đoán. Theo ông, nguyên nhân khách quan là nền kinh tế Việt Nam chịu hai tác động lớn do biến động thị trường tài chính thế giới, cùng việc chấn chỉnh thị trường bất động sản và thị trường tài chính trong nước. TP HCM là địa bàn bị tác động mạnh nhất bởi 2 yếu tố này.

Về mặt chủ quan, TS. Trần Du Lịch chỉ rõ 3 nguyên nhân khiến tăng trưởng quý I thấp, gồm: Giải ngân đầu tư công thấp; điểm nghẽn về vốn, hấp thụ vốn và thị trường nội địa doanh thu dịch vụ thấp.

Cho rằng tình hình thực tế của kinh tế thành phố đi xuống là điều "dễ dàng nhìn thấy", TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, chỉ ra: "Như cảng Cát Lái vốn chiếm 40% lượng hàng container cả nước, đóng vai trò quan trọng trong GDRP của TP HCM, nhưng thời gian qua hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh khiến công suất cảng chỉ còn dưới 50%.

Hay doanh nghiệp có đông công nhân nhất của thành phố là PouYuen đã chấm dứt hợp đồng với gần 2.500 lao động; nhiều doanh nghiệp khác cũng phải giảm nhân sự do thiếu đơn hàng. Hàng loạt dự án bất động sản không triển khai được, thị trường giao dịch vắng lặng.

Đặc biệt, TP HCM là thành phố về dịch vụ thương mại nhưng nguồn khách du lịch quốc tế chưa phục hồi, kéo theo nhiều ngành dịch vụ từ lưu trú, ăn uống, mua sắm vắng vẻ. Có thể thấy, hàng loạt mặt bằng ở trung tâm vẫn treo bảng cho thuê, vắng khách thuê đã phản ánh dịch vụ thương mại bị sụt giảm mạnh và có thể tình trạng này còn kéo dài trong quý II/2023".

Dù vậy, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, kinh tế TP HCM vẫn hy vọng có sự phục hồi trong 2 quý tiếp theo. Song, về dài hạn, thành phố cần đẩy mạnh việc tạo ra những động lực mới thay thế cho động lực tăng trưởng cũ đã mất lợi thế.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ sự lo ngại trước con số tăng trưởng GRDP quý I của "đầu tàu kinh tế" cả nước. "Đây là mức tăng trưởng rất thấp và gần như không đáng kể. Cùng kỳ năm 2022 đã tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của đại dịch mà năm nay tăng trưởng chưa đến 1%, nghĩa là TP HCM đang trong tình trạng trì trệ", ông Hiếu đánh giá.

Trong bối cảnh này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng TP HCM nên tìm đến động lực tăng trưởng từ khối sản xuất, với cốt lõi là các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó là nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản và tài chính, đặc biệt là hoạt động của các ngân hàng thương mại, xử lý vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

"Muốn phục hồi những thị trường này, cần sự chỉ đạo, hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách của Trung ương. Khi Chính phủ có chính sách hiệu quả, TP HCM sẽ là nơi hưởng lợi đầu tiên", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo số liệu của Cục thống kê TP HCM, có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm trong quý I/2023. Đó là các ngành vận tải kho bãi giảm 0,63%; thông tin và truyền thông giảm 2,70%; kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.

5/9 ngành còn lại đều có mức tăng trưởng khá như bán buôn, bán lẻ tăng 3,81%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,53%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 6,68%; giáo dục và đào tạo tăng 7,01%. Ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất, đạt 24,34% so với cùng kỳ.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-truong-grdp-quy-i-2023-o-nhom-den-do-tp-hcm-can-dong-luc-moi-post242127.html