Tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng GDP

Ngày 15/2, Hội nghị toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW về kinh tế tập thể và Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 đã được tổ chức tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến đến các điểm cầu bộ, ngành và 63 tỉnh, thành.

Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh Hợp tác xã: Minh bạch hóa quy trình sản xuất để tăng giá trị nông sản Phát triển hợp tác xã - Điểm tựa kinh tế của nông thôn

Hơn 1 triệu lao động làm việc trong các hợp tác xã

Hai hội nghị được tổ chức nhằm mục đích đánh giá kết quả triển khai và tình hình phát triển kinh tế tập thể sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012. Đây là cơ hội để đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những nội dung còn hạn chế, từ đó rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời xác định phương hướng, mục tiêu, nội dung, biện pháp cụ thể trong những năm tiếp theo để đạt được mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) bền vững, làm nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Chủ trì và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu trung ương là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đồng chủ trì hội nghị có Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Tham dự còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực KTTT đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Ước tính đến 31/12/2021, toàn quốc có 27.342 HTX (18.327 HTX nông nghiệp và 9.015 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng HTX tăng 16.420 HTX (khoảng 2,5 lần) so với năm 2001, số thành viên HTX tăng 465.603 người (khoảng 9%) so với năm 2001.

Trong giai đoạn 2001-2021, số lượng HTX thành lập mới là 37.810 HTX, giải thể khoảng 21.390 HTX. Trong đó, giai đoạn 2001-2011 thành lập mới 11.640 HTX, giải thể 6.080 HTX; giai đoạn 2012-2021 thành lập mới 26.170 HTX, giải thể 15.310 HTX. Có thể thấy, trong thời gian 10 năm trở lại đây, từ khi có Luật HTX năm 2012, số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh qua các năm. Nếu như giai đoạn 2001-2011 trung bình chỉ có 1.164 HTX thành lập mới mỗi năm thì đến giai đoạn 2012-2021 trung bình có 2.617 HTX thành lập mới mỗi năm (tăng gấp 2,24 lần)

Tính đến 31/12/2021, số lao động làm việc trong HTX là 1.078.000 người, tăng 549.693 người (gấp 2 lần) so với thời điểm 31/12/2001.

Quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn thiếu, yếu

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, sau 20 năm triển khai, thực hiện nghị quyết, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, khu vực KTTT của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế.

Cụ thể như, tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT thấp và tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu nghị quyết đề ra. Liên tục trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT, HTX đạt thấp và có xu hướng giảm, chỉ bằng khoảng hơn 1/2 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cụ thể: năm 2003 là 4,92%, năm 2005 là 3,98%, năm 2010 là 3,32%, năm 2020 là 2,4%. Đóng góp của KTTT vào GDP cả nước giảm liên tục từ 8,06% năm 2001, 6,65% năm 2005, 3,99% năm 2010 và 3,62% năm 2020. Kết quả phát triển của khu vực KTTT so với mục tiêu đến 2010 mà nghị quyết đề ra là “đưa KTTT thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, tiến tới tỷ có trọng ngày càng lớn trong GDP của nền kinh tế”, là không đạt được.

Giai đoạn 2013-2021, số lượng thành viên HTX giảm dần qua các năm. Năm 2021, HTX thu hút 5,7 triệu thành viên tham gia, giảm 28% so với mức 8 triệu thành viên của năm 2013. Về tổ hợp tác (THT), giai đoạn 2013-2021, trung bình mỗi năm có khoảng 100.000 THT hoạt động với khoảng 1 triệu thành viên tham gia. Số lượng THT có xu hướng giảm dần từ năm 2016 đến nay.

Nhiều HTX vẫn ở trong tình trạng khó khăn. Năng lực nội tại của các HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu. Số lượng HTX không hoạt động còn khá lớn, số HTX yếu kém giảm chậm, tỷ lệ HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi tăng nhưng mức lãi thấp và không có khả năng tích lũy để đầu tư phát triển, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hoạt động của các HTX còn thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống cả về kinh tế, xã hội và tổ chức. Các hoạt động liên kết, liên doanh trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giữa các HTX với nhau còn ít, nội dung hạn chế. Liên hiệp HTX có số lượng ít, tăng chậm, quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, lúng túng trong tổ chức phương án sản xuất, kinh doanh, liên kết giữa các HTX thành viên với nhau và với liên hiệp chưa chặt chẽ; vai trò hỗ trợ HTX thành viên của liên hiệp HTX hạn chế; một số liên hiệp HTX không hoạt động, thậm chí có nguy cơ giải thể. Các tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước liên kết với khu vực HTX còn ít.

Chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với HTX hiệu quả còn thấp, chưa đồng bộ, chưa nhất quán, chưa toàn diện. bộ máy quản lý Nhà nước về KTTT, HTX chưa được kiện toàn, sau 20 năm thực hiện nghị quyết, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước vẫn còn thiếu và yếu ở cả cấp trung ương và địa phương. Sự yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước về KTTT là nguyên nhân quan trọng làm cho các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không được triển khai trong thực tiễn.

Những hạn chế này khiến KTTT chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Điều đó đặt ra nhiệm vụ phải tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và đề xuất định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển KTTT thời gian tới phù hợp xu hướng phát triển mới và tình hình thực tế, phục vụ việc xây dựng dự thảo nghị quyết mới về KTTT./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-truong-khu-vuc-kinh-te-tap-the-chi-bang-mot-nua-toc-do-tang-truong-kinh-te-100271.html