Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2021 Quảng Ngãi đạt 10,92%/năm

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW, GRDP của Quảng Ngãi năm 2021 đạt 52.925 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 3.360 USD; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2021 đạt 10,92%/năm.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết tham dự và chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết tham dự và chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 27/6, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết tham dự và chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, năm 2004 trở về trước, Quảng Ngãi là một tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ; công nghiệp chưa phát triển; dịch vụ phát triển chậm; nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu; ngân sách phụ thuộc sự hỗ trợ của Trung ương; đời sống nhân dân rất khó khăn.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. GRDP của Quảng Ngãi năm 2021 đạt 52.925 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 3.360 USD; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2021 đạt 10,92%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ ngày càng cao. Các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng; du lịch có bước phát triển đáng kể. Nông nghiệp từng bước được hiện đại hóa. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 1.800 triệu USD, tăng gấp 64,8 lần so với năm 2004; bình quân giai đoạn 2005 - 2021 tăng 27,8%/năm.

Cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các dự án kinh tế lớn trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi đã làm tăng đáng kể giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Khu kinh tế Dung Quất trở thành một trong những Khu kinh tế thành công nhất trong cả nước, giữ vai trò là hạt nhân tăng trưởng và động lực phát triển của tỉnh; văn hóa xã hội tiếp tục phát triển; chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; công tác xây dựng Đảng đạt một số kết quả tích cực; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, phát triển của Quảng Ngãi vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với trung bình của cả nước; công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị; nông nghiệp phát triển chưa bền vững; dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa nhiều; quy mô kinh tế biển nhỏ; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội còn hạn chế; hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế chưa cao; chất lượng khám, chữa bệnh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; đời sống người dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn,…

Về liên kết vùng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, trong những năm qua, cùng với các địa phương trong Vùng, Quảng Ngãi đã tích cực tham gia thúc đẩy phát triển liên kết Vùng. Đã tích cực phối hợp với các Bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương trong vùng xây dựng các kế hoạch, chương trình nhằm phát triển vùng trên nhiều lĩnh vực; trong đó, tập trung phát triển một số cơ sở hạ tầng giao thông thúc đẩy liên kết vùng như: Hoàn thành mở rộng Quốc lộ 1; đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi; tiếp tục đầu tư tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh kết nối đồng bộ với hệ thống đường ven biển của các địa phương trong vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển và khai thác du lịch;….

Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả liên kết, phát triển vùng còn một số hạn chế. Nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội chưa được khơi thông. Đa số tỉnh có tiềm năng, thế mạnh khá giống nhau nên thu hút đầu tư cũng tương tự nhau; sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương còn rời rạc, chưa liên kết trong xây dựng định hướng, chiến lược, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp. Hạ tầng kết nối giữa các địa phương trong vùng chưa được quản lý, sử dụng hiệu quả.

Bên cạnh đó, bà Bùi Thị Quỳnh Vân còn cho biết, kết quả hội nghị tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW, Kết luận 25-KL/TW sẽ góp phần cung cấp thông tin để Ban Chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chủ trương mới về phát triển vùng nhằm cụ thể hóa các quan điểm, định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021– 2030).

Vì vậy, đề nghị các đại biểu dự Hội nghị với kinh nghiệm thực tiễn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tham gia thảo luận, phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ những nguyên nhân; trên cơ sở đó, đề ra những quan điểm phát triển, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến; đồng thời, đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương những chủ trương, chính sách tiếp tục tạo ra xung lực phát triển mới cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng,…

Vũ Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tang-truong-kinh-te-binh-quan-giai-doan-2005-2021-quang-ngai-dat-10-92-nam-post452807.html