Tăng trưởng kinh tế của Australia sẽ chậm lại trong bối cảnh lạm phát leo thang

Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm tài chính 2022-2023 và tuyên bố lạm phát sẽ đạt đỉnh ở mức rất cao.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Canberra, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Canberra, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bản cập nhật đánh giá triển vọng kinh tế gửi tới Quốc hội ngày 28/7, Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm tài chính 2022-2023 và tuyên bố lạm phát sẽ đạt đỉnh ở mức rất cao, thậm chí hơn cả ngưỡng dự báo 7% mà Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) đã đưa ra.

Theo Bộ trưởng Chalmers, kết thúc năm 2022-2023, kinh tế Australia dự báo sẽ tăng trưởng 3,75%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với dự báo của tháng Tư. Trong các năm tài chính tiếp theo, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ lần lượt là 3% và 2%, đều thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Tờ Australia Financial Review cho rằng việc hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của Bộ trưởng Ngân khố Chalmers được cho là phù hợp với chiến lược mà Chính phủ Công đảng Australia đang áp dụng, nhằm đưa ra đánh giá đầy đủ và "thẳng thắn" về triển vọng kinh tế quốc gia, giúp người dân đánh giá và đưa ra quyết sách đúng đắn nhất.

Dự báo này cũng phù hợp với dữ liệu mà Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố ngày 27/7, trong đó cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý II/2022 tăng 6,1%, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ gần đây.

* Lạm phát cơ bản tăng cao

Mặc dù CPI trong quý II/2022 của Australia thấp hơn một chút so với mức đồng thuận dự báo của thị trường là 6,3%, nhưng CPI cơ bản của Australia - thước đo ưa thích của RBA - đã tăng 1,5% trong quý này và cao hơn 4,9% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua kỳ vọng của thị trường.

Nếu không tính số liệu của năm 2001, giai đoạn bắt đầu áp dụng thuế giá trị gia tăng (GST), thì tốc độ tăng trưởng hàng năm về lạm phát cơ bản và lạm phát toàn phần của "xứ Chuột túi" trong giai đoạn hiện nay là nhanh nhất kể từ đầu những năm 1990.

Ông Chalmers cho rằng lạm phát sẽ giảm trở lại, nhưng không phải là ngay lập tức. Ông nói: "Cũng giống như các yếu tố nội địa khác đã xuất hiện đúng vào khoảng thời gian tốt nhất của một thập kỷ, góp phần gây ra áp lực từ phía cung (khiến CPI tăng), sẽ mất một thời gian để lạm phát giảm. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra".

Tuy nhiên, ông Chalmers cũng lưu ý rằng: "Việc lãi suất đang tăng cao hơn kết hợp với sự suy thoái toàn cầu sẽ gây tác động đến tăng trưởng kinh tế của Australia. Những khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt – đứng đầu danh sách là vấn đề lạm phát cao hơn cùng với tăng trưởng toàn cầu chậm lại – hiện đã được phản ánh đầy đủ trong các cập nhật dự báo và triển vọng kinh tế".

Bộ trưởng Chalmers cảnh báo tăng trưởng thấp hơn sẽ dẫn đến nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc RBA tiếp tục nâng lãi suất lần thứ ba liên tiếp, lên mức 1,85%, trong cuộc họp Hội đồng quản trị ngày 2/8, cũng được củng cố.

Nhà kinh tế học của Ngân hàng Deutsche, Tiến sỹ Phil O’Donoghue, nói: "Mức tăng 50 điểm cơ bản là phù hợp, nhưng chúng tôi cũng cho rằng cần có một đợt tăng lãi suất tương tự như vậy trong tháng Chín". Theo Tiến sỹ O’Donoghue lãi suất ở ngưỡng 2,35% sẽ là đủ để trung hòa giữa mục tiêu lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia Gareth Aird, Giám đốc phụ trách kinh tế Australia của Ngân hàng Commonwealth, nhận định lạm phát đang ở mức "nóng đỏ" và nhiều khả năng sẽ có các đợt tăng lãi suất lớn vào tháng Tám và tháng Chín tới.

* IMF hạ dự báo tăng trưởng

Đồng đôla Australia. Ảnh: Forecast/TTXVN

Đồng đôla Australia. Ảnh: Forecast/TTXVN

Triển vọng kinh tế Australia trở nên "ảm đạm" hơn sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lần thứ hai trong vòng ba tháng, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,2% trong năm nay và 2,9% trong năm tiếp theo, thấp hơn lần lượt là 0,4 điểm phần trăm và 0,7 điểm phần trăm so với ước tính hồi tháng Tư.

Nguyên nhân chính là do xu hướng tăng trưởng chậm lại ở các quốc gia lớn, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Giá thực phẩm và năng lượng tăng cũng thúc đẩy triển vọng lạm phát toàn cầu được điều chỉnh tăng lên, với mức tăng trưởng của giá dự kiến đạt 6,6% trong số các nền kinh tế tiên tiến, tăng gần 1 điểm phần trăm.

* Lạm phát Australia sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay

Phát biểu sau khi ABS công bố dữ liệu CPI quý II/2022, Bộ trưởng Chalmers cho rằng đó là các con số thách thức, tạo ra áp lực về chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý giá năng lượng tăng đột biến gần đây vẫn chưa ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát của Australia.

Ông nói: "Lạm phát sẽ còn tăng cao hơn nữa. Vấn đề này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trước khi bắt đầu hạ nhiệt. Thực tế là kết quả tăng trưởng kinh tế trong quý II/2022 của Australia chưa bao gồm đợt tăng giá điện trên diện rộng, bắt đầu từ tháng 7/2022".

Theo Bộ trưởng Ngân khố, lạm phát sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2022, ở ngưỡng 7,75%, sau đó giảm xuống 5,5% vào giữa năm 2023 và tiếp tục về mức 3,5% vào cuối năm này và duy trì ngưỡng này cho đến hết năm 2024.

Các yếu tố giá cả hàng hóa quan trọng tác động vào lạm phát, bao gồm thực phẩm, xăng dầu, nhà ở và chi phí y tế, đã tăng đáng kể, cho thấy áp lực khó tránh khỏi đang đè nặng lên ngân sách hộ gia đình.

Giá nhà ở mới của Australia trong năm tài chính 2021-2022 đã tăng đến 20,3%, nhờ sự hỗ trợ hào phóng của Chính phủ trong suốt thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, giá xăng dầu đã tăng lên 32% do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trong khi đó, giá hàng hóa tăng 2,6% so với quý trước và 8,4% so với cùng kỳ năm trước, kéo dài xu hướng tăng giá mạnh hơn so với lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực chỉ ghi nhận mức tăng giá 0,6% so với quý trước và 3,3% so với năm trước. Mức tăng đáng chú ý được ghi nhận ở nhóm thực phẩm (tăng 2%) và nhóm đồ đạc, thiết bị gia đình và dịch vụ (tăng 2,5%).

ABS cho biết, hàng hóa chiếm 79% mức tăng trong CPI của quý II/2022, phản ánh chi phí vận chuyển hàng hóa cao, nguồn cung hạn chế và nhu cầu mạnh kéo dài.

Trưởng bộ phận thống kê giá của ABS, chuyên gia Michelle Marquardt, phân tích yếu tố giá nhiên liệu đã tăng và đạt mức kỷ lục trong quý thứ tư liên tiếp. Tất cả các mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm đều tăng giá.

Giá rau quả tăng 5,8% do thiên tai và lũ lụt gây ảnh hưởng ở các khu vực sản xuất chính của bang New South Wales và Queensland, làm gián đoạn nguồn cung trong nước. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến dịch bệnh COVID-19 và chi phí vận chuyển, cũng như giá của mặt hàng phân bón tăng cao, cũng góp phần đẩy giá lên mặt bằng mới.

* Thâm hụt ngân sách kỷ lục

Phát biểu trong phiên họp Quốc hội ngày 28/7, Bộ trưởng Chalmers cho biết ông kỳ vọng kết quả ngân sách giai đoạn 2021-2022 của Australia sẽ cho thấy những cải thiện đáng kể nhờ giá quặng sắt, than và khí đốt hóa lỏng tăng cao kỷ lục trong năm tài chính vừa qua.

Nhưng ông Chalmers cũng lưu ý việc chi tiêu hào phóng của Chính phủ tiền nhiệm nhằm hỗ trợ người dân trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 và các khoản thanh toán ngoài kế hoạch do lạm phát, kỳ vọng tiền lương cao hơn, cũng như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao sẽ khiến ngân sách ước tính bị thâm hụt khoảng 33 tỷ AUD (23,5 tỷ USD) trong vòng bốn năm tới.

Bộ trưởng Chalmers nói: "Các chương trình quan trọng của chính phủ có rủi ro ngược lại đối với tăng trưởng chi tiêu. Điều này bao gồm chi tiêu cho y tế, Chương trình Bảo hiểm Người khuyết tật Quốc gia, cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và trả lương công bằng hơn cho nhân viên chăm sóc người cao tuổi…".

Tuy nhiên, nhờ nhu cầu thế giới vẫn tiếp tục tăng cao và giá khoáng sản quan trọng được giữ ở mức kỷ lục, ngân sách của Australia sẽ được bù đắp một phần bởi doanh thu xuất khẩu. Bộ trưởng Chalmers nhấn mạnh dự báo ngân sách đã có sự cải thiện so với mức thâm hụt 79,8 tỷ AUD (55,86 tỷ USD) trong dự báo ngân sách 2022-2023 mà chính phủ tiền nhiệm đưa ra vào tháng 3/2022./.

Diệu Linh (TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tang-truong-kinh-te-cua-australia-se-cham-lai-trong-boi-canh-lam-phat-leo-thang/252916.html