Tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 7,09%

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024.

Đây là thông tin được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý IV và năm 2024.

GDP quý IV tăng 7,55%

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%).

Nguồn: TCTK

Nguồn: TCTK

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,86% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,35%, đóng góp 44,03%; khu vực dịch vụ tăng 8,21%, đóng góp 51,11%. Về sử dụng GDP quý IV/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 7,98%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,35%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 13,49%.

Tính cả năm 2024, GDP ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt mức tăng trưởng tích cực 3,27%. Trong đó, sản lượng nhiều nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp phục hồi tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 8,32% so với năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,52% của năm 2022 trong giai đoạn 2019-2024, đóng góp 2,70 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%, thấp hơn mức tăng các năm 2011, 2016, 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024, đóng góp 2,49 điểm phần trăm.

Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2024 tăng 7,38%, cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,86%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,64%; khu vực dịch vụ chiếm 42,36%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,14% (Cơ cấu tương ứng của năm 2023 là 11,86%; 37,58%; 42,30%; 8,26%).

Về sử dụng GDP năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,57% so với năm 2023; tích lũy tài sản tăng 7,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,45%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,10%.

Cuộc họp báo diễn ra sáng 6/1.

Cuộc họp báo diễn ra sáng 6/1.

Chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng 3,63%

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023). Tính theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,3%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023).

Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD (tỷ giá trung tâm VND/USD bình quân năm 2024 là 24.170,59 đồng). GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023.

Về tình hình lạm phát, năm 2024, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát. Bình quân năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Lạm phát cơ bản tháng 12/2024 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2024, tình hình thu nhập và đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện.

Thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2024 đạt khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,8% so với năm 2023. Mức sống tối thiểu của người dân Việt Nam sơ bộ năm 2024 khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng, trong đó khu vực thành thị khoảng 2,3 triệu đồng/người/tháng và khu vực nông thôn khoảng 1,7 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2024 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) ước khoảng 2,4%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2023./.

Cũng trong năm 2024, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Trong đó, về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), theo Báo cáo GII 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong đó, đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53; đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-truong-kinh-te-nam-2024-dat-709-168022.html