Tăng trưởng kinh tế quý I của Tp. Hồ Chí Minh cao nhất từ năm 2020 đến nay

Trong quý I/2024, tình hình kinh tế - xã hội của Tp. Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả khả quan, tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực. Kết quả tăng trưởng này cao nhất của quý I trong nhiều năm trở lại đây.

Thông tin được nêu ra tại Phiên họp của UBND Tp. Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội thường kỳ quý I/2024 diễn ra chiều 2/4.

Tăng trưởng cao nhất sau nhiều năm

Tiếp đà tăng trưởng năm vừa qua, trong quý I/2024, kinh tế Tp. Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng tốt. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 406.345 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ. Khu vực nông lâm thủy sản tăng 0,85%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,66%; dịch vụ tăng 7,34%. Tất cả các ngành dịch vụ đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN

Theo đánh giá của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, kinh tế thành phố tăng trưởng cao hơn dự báo, cụ thể tăng trưởng GRDP đứng thứ 2/5 thành phố trực thuộc Trung ương, đứng thứ 2/6 các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 18/63 tỉnh, thành.

Phân tích thêm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng quý I rất tốt không chỉ là trên con số, mà đặt trong cả bối cảnh chung với kết quả của 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả đạt được của Tp. Hồ Chí Minh là khả quan trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Phương, thương mại có tăng trưởng nhưng so với cùng kỳ vẫn thấp hơn, nhất là lương thực thực phẩm, đồ uống giảm. Điều này một phần liên quan đến hoạt động xử lý nồng độ cồn, một nguyên nhân nữa là người dân thắt chặt chi tiêu, giảm tiêu dùng các sản phẩm không thiết yếu.

Thảo luận về kinh tế thành phố, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, kết quả tăng trưởng này đã vượt qua các kịch bản dự báo. Hơn hết, kết quả này đã phá vỡ lo lắng về kịch bản tăng trưởng thấp trong quý I/2023 lặp lại (chỉ 0,7%). “Đây là kết quả tăng trưởng của quý I cao nhất từ năm 2020 đến nay, dựa trên nền tảng, các di sản chúng ta đang có”, ông Trần Hoàng Ngân chia sẻ.

Theo ông Ngân, thành phố đạt được kết quả trên đến từ 3 nguyên nhân chính là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Về mặt thể chế, Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30/12/2022, Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị và đặc biệt là Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội đã giúp thành phố tháo gỡ khó khăn. Thành phố đã nỗ lực để thực hiện chương trình hành động các nghị quyết nói trên.

Nhiều điểm sáng về kinh tế - xã hội của Tp. Hồ Chí Minh cũng được thể hiện rõ qua các con số cụ thể trong quý I. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 138.546 tỷ đồng, tăng 7,6% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương là 17.180 tỷ đồng, tăng 59,35% cùng kỳ. Thu chi ngân sách, đặc biệt chi ngân sách đã góp phần vào tăng trưởng rất rõ nét.

Cũng trong quý vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố ước đạt 10,1 tỷ USD, tăng 7,5% so cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 3,1% cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 44.710 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến đến hết ngày 31/3, tổng số vốn giải ngân của thành phố là 5.566 tỷ đồng. So với số liệu giải ngân của quý I/2023 thì số liệu giải ngân đến nay tăng hơn 3.958 tỷ đồng và gấp hơn 3,4 lần so với cùng kỳ 2023.

Để có được kết quả này, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã kịp thời triển khai, phối hợp với các bộ ngành trung ương tham mưu ban hành, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố. Các đơn vị đã triển khai thi công “3 ca, 4 kíp” xuyên Tết các công trình giao thông trọng điểm; phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án chuẩn bị khởi công; tháo gỡ các dự án vướng mắc pháp lý để triển khai thực hiện...

Vẫn còn nhiều chỉ tiêu tăng trưởng thấp

Trong quý I/2024, số doanh nghiệp thành lập mới tại Tp. Hồ Chí Minh ước đạt 12.433 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới khoảng 106.127 tỷ đồng, tăng 12,01% về số lượng và tăng 8,47% về vốn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thành phố có 15.600 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 20,64% cùng kỳ; trong khi chỉ có 5.373 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Kết quả kinh tế - xã hội Tp. Hồ Chí Minh tương đối khá. Tuy nhiên, nhìn tác động từ bên ngoài, các tồn tại chưa giải quyết dứt điểm, phát sinh những tồn tại mới, cần phải nỗ lực hơn nữa để đạt kết quả khả quan.

Theo ông Mãi, tăng trưởng tín dụng trong quý I/2024 chưa cao, dư địa lãi suất cũng chưa cao; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong quý I cao hơn cùng kỳ. Các tồn đọng, nhất là những dự án bất động sản, thị trường bất động sản chưa phục hồi tốt. Các chỉ dấu này cho thấy sức khỏe của nền kinh tế Tp. Hồ Chí Minh chưa phục hồi mạnh mẽ. Do vậy, thành phố phải tiếp tục tập trung, phát huy, nỗ lực hơn nữa mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ quý II và năm 2024.

Thực tế, một số chỉ tiêu kinh tế của thành phố tăng trưởng thấp hoặc không đạt; tăng trưởng tín dụng yếu; thu hút FDI giảm về quy mô vốn (giảm 7,61% so với cùng kỳ); số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng (hơn 20%). Bên cạnh đó, mặc dù đã được nhận diện, việc thực hiện khắc phục 6 điểm nghẽn trong cải cách thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu. Tiến độ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ phức tạp, đề án lớn, dự án mới còn chậm.

Đặt câu hỏi làm sao để giữ được đà tăng trưởng quý I, ông Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ngành phân tích những khía cạnh, đặc biệt là đề ra giải pháp, những bài học kinh nghiệm từ quý I chuyển hóa sang các quý sau để đạt được kết quả mong muốn. “Nếu chúng ta tiếp tục đà tăng trưởng của quý I, thì tăng trưởng 7,5-8% năm 2024 có thể thực hiện được”, ông Mãi chia sẻ.

Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi lưu ý, từ nay đến cuối năm thành phố phải giải ngân 73.000 tỷ đồng, nghĩa là mỗi tháng phải giải ngân trên 8.000 tỷ đồng. Do đó, các sở ngành, quận huyện phải tập trung công việc để đạt được mục tiêu, nhất là sự phối hợp giữa các bên để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, thành phố cũng tập trung các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu…

Tiến Lực/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tang-truong-kinh-te-quy-i-cua-tp-ho-chi-minh-cao-nhat-tu-nam-2020-den-nay/328650.html