Tăng trưởng nông nghiệp khởi đầu tích cực cho mục tiêu cả năm
Tăng trưởng nông - lâm - thủy sản của huyện Trảng Bom 4 tháng đầu năm 2024 khá cao, cao hơn bình quân chung của tỉnh. Đây là khởi đầu tích cực cho mục tiêu cả năm.
Kết quả trên phản ánh những nỗ lực, sát sao, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh, cũng như sự cố gắng của huyện, doanh nghiệp, người dân trong khôi phục và phát triển kinh tế.
Tăng trưởng nông nghiệp hơn 4%
Từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản của huyện Trảng Bom duy trì mức cao hơn so với nhiều địa phương trong tỉnh.
Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Ngọc Tiên cho biết, trong quý I-2024, tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản đạt hơn 1,1 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nông nghiệp khoảng 1 ngàn tỷ đồng, tăng 4,3%, 2 lĩnh vực còn lại có tăng nhưng không cao.
Đóng góp đáng kể nhất cho tăng trưởng nông nghiệp của huyện là ngành trồng trọt, cụ thể là giá trị của cây chuối cấy mô. Hiện tại, huyện có khoảng 6 ngàn hécta chuối. Sau Tết Nguyên đán là vụ thu hoạch chính, thời điểm đó, giá chuối xuất khẩu tăng nên đóng góp lớn cho tăng trưởng của ngành. Liên quan đến vùng trồng chuối, thời gian qua, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và nông dân đã có nhiều giải pháp khôi phục, cũng như phát triển mới mã số vùng trồng để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Một số vùng trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế thấp được nông dân chuyển đổi sang chuối.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom Nguyễn Văn Dũng cho biết, để duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp, vấn đề bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất được quan tâm. Từ đầu mùa khô, huyện đã tổ chức khảo sát các tuyến suối, xây dựng kế hoạch nạo vét, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành để đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi theo kế hoạch. Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn, sạch. Huyện cũng chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất thông qua mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, huyện tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế. Trong đó, thường xuyên rà soát, kiểm tra, hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ sản phẩm OCOP; tổ chức tuyên truyền nhằm tác động tích cực đến nhận thức của người nông dân và người tiêu dùng về sản phẩm OCOP. Nhờ vậy, trong quý I, huyện ban hành quyết định và công bố công nhận 7 sản phẩm OCOP theo quy định, nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện lên con số 26.
Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Lê Tuấn Anh đánh giá, năm 2023 và quý I-2024, tăng trưởng nông nghiệp của huyện khá tốt. Kết quả này phần nào phản ánh những nỗ lực, sát sao, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh, cũng như sự cố gắng, quyết tâm của huyện, doanh nghiệp, người dân trong khôi phục và phát triển kinh tế.
Trụ đỡ vững chắc cho phát triển kinh tế
Những năm gần đây, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của tỉnh diễn ra nhanh, Trảng Bom trở thành một trong 4 địa phương phát triển công nghiệp lớn của tỉnh. Mặc dù vậy, nông nghiệp vẫn là ngành có vai trò trụ đỡ cho phát triển kinh tế.
Hiện tại, huyện Trảng Bom được tỉnh chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa. Trong giai đoạn 2020-2025, huyện sẽ phát triển nông nghiệp hướng đến cả 2 mục tiêu là nông thôn mới nâng cao và tạo bước đột phá cho phát triển đô thị.
Về chăn nuôi, Trảng Bom là một trong 2 huyện được tỉnh đề xuất với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn thú y thế giới để đủ điều kiện xuất khẩu gia cầm sang châu Âu.
Theo Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Lê Tuấn Anh, sản xuất nông nghiệp của huyện đang đối mặt với những khó khăn. Huyện có diện tích trồng chuối lớn, đây là loại cây cần nhiều nước, thời gian qua nắng nóng kéo dài, nhiều khu vực giếng khoan cạn nước dẫn đến thiếu nước. Thêm vào đó, từ năm 2025, phải đóng cửa các giếng nước khoan nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Huyện kiến nghị tỉnh có đề tài khoa học đánh giá thực trạng, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng để lợi nhuận trên đất nông nghiệp đạt cao nhất.
Một hạn chế khác ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp là đá mồ côi tương đối nhiều. Huyện đã nhiều lần kiến nghị nhưng hiện vẫn chưa có cách nào để người dân khi cải tạo đất nông nghiệp được di dời, tập kết đá mồ côi đi nơi khác mà không vi phạm pháp luật.
Trao đổi về vấn đề nguồn nước, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho rằng, khu vực trồng chuối phần lớn khai thác nước ngầm, theo lộ trình tỉnh đưa ra tại Đề án Cấp nước tỉnh Đồng Nai, từ năm 2025 khai thác và sử dụng nước ngầm phải hạn chế và cần được cấp phép. Vậy giải bài toán này bằng cách chuyển sang loại cây trồng sử dụng ít nước hơn, áp dụng các giải pháp tưới nước tiết kiệm.
Làm việc với huyện Trảng Bom về kinh tế - xã hội quý I mới đây, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đánh giá cao tăng trưởng ngành nông - lâm - thủy sản của huyện. Đây là khởi đầu tích cực cho mục tiêu cả năm và tạo tiền đề cho các lĩnh vực khác.
Về giải pháp trong thời gian tới, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý huyện cần quản lý chặt chẽ đất đai, nhất là đất sản xuất nông nghiệp, hạn chế thấp nhất xảy ra phân lô, bán nền trái phép và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp không đúng quy hoạch. Tập trung xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản, quan tâm chế biến sâu sản phẩm có lợi thế để gia tăng giá trị và tạo lợi thế cạnh tranh.