Tăng trưởng quý 3 vượt kỳ vọng, mục tiêu đạt 6,5 - 7% cả năm khả thi

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5 - 7% là khả thi.

Tăng trưởng quý 3 cao hơn kỳ vọng

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 3 và 9 tháng năm 2024 ước đạt 7,40% và 6,81%, cao hơn mức kỳ vọng trong bối cảnh nền kinh tế một số địa phương phía bắc bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cơn bão số 3 đầu tháng 9 vừa qua.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy từ phía sản xuất, ngành công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi mạnh mẽ nhờ nhu cầu quốc tế tăng lên sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện giúp ngành lấy lại được vai trò động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024.

Một số ngành có chỉ số IIP tăng mạnh như: giường tủ bàn ghế (tăng 24,7%), dệt (tăng 12,8%), da giầy (tăng 11,6%), trang phục (tăng 9,9%), sản xuất sản phẩm điện tử (tăng 9,1%).

Các ngành dịch vụ tăng trưởng khá tích cực do được hỗ trợ từ nhu cầu du lịch tăng trong các thời kỳ cao điểm du lịch với hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm 2024, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; sự ổn định và phát triển theo chiều sâu của ngành nông nghiệp vẫn là một lợi thế và cột trụ quan trọng giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế…

Tăng trưởng 9 tháng đầu năm khả quan

Tăng trưởng 9 tháng đầu năm khả quan

Từ phía cầu cuối cùng, hoạt động thương mại quốc tế sôi động tiếp tục là động lực quan trọng. Xuất khẩu được hỗ trợ lớn từ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU phục hồi…

Ngoài ra, tiêu dùng trong nước ổn định sẽ có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng 9 tháng năm 2024. Các chính sách vĩ mô đã được thực hiện từ năm 2023 như giảm thuế GTGT, hỗ trợ người tiêu dùng thông qua giảm phí, lệ phí… góp phần gia tăng sức mua nội địa vốn bị suy giảm từ thời dịch bệnh COVID-19.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, để đạt được kết quả như trên, tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024 được hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi như Chính phủ chủ động ban hành các chính sách kích cầu tiêu dùng về giảm, gia hạn thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; kinh tế vĩ mô giữ ổn định, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất.

Ngoài ra, thu hút vốn FDI đã tăng trở lại, các nhà đầu tư nước ngoài ổn định sản xuất và mở rộng hoạt động. Đối thoại kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ diễn ra nhằm cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Úc cũng mở ra nhiều cơ hội kinh tế vì đây là thị trường quen thuộc với đa số người dân và cộng đồng người Việt ở Úc cũng khá đông.

Tuy vậy, Tổng cục Thống kê cũng cho rằng trong những tháng cuối năm 2024, mặc dù tăng trưởng được kỳ vọng tiếp tục duy trì, nền kinh tế vẫn đối mặt với những thách thức như sự bất ổn của kinh tế toàn cầu, xu hướng bảo hộ thương mại từ các đối tác lớn và lạm phát…

Ngoài ra, hoạt động du lịch đã chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng, kỳ vọng; doanh nghiệp vẫn đối mặt với 3 vấn đề lớn về thị trường, vốn và pháp lý; một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để.

Đáng chú ý, doanh nghiệp phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững, tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG)… đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi thời gian để chuyển đổi không còn nhiều (nhiều nước dự kiến áp dụng từ năm 2026).

Thêm nữa, thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đã ổn định hơn, nhưng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ như: tăng trưởng tín dụng; xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhất là các dự án lớn; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp; nâng hạng thị trường chứng khoán…

Mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% năm 2024 là khả thi

Theo Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5 - 7% là khả thi.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% thì quý 4 sẽ cần tăng 5,7%; mục tiêu 6,8% thì quý 4 cần tăng 6,76%; mục tiêu 7% thì quý 4 cần tăng 7,5%. Với kết quả tăng trưởng của quý 3 và 9 tháng, cùng với nhận định về xu hướng tăng trưởng các tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khả năng cao đạt được mục tiêu cận trên của kịch bản tăng trưởng.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, bà Hương cho rằng cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái.

“Mặc dù thúc đẩy tăng trưởng, nhưng chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát và duy trì mức giá ổn định để đảm bảo sức mua của người dân không bị suy giảm; đảm bảo nguồn cung ngoại tệ ổn định để tránh biến động tỷ giá ảnh hưởng đến nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa”, bà Hương nói.

Ngoài ra, đại diện Tổng cục Thống kê cũng đề nghị đẩy mạnh tiêu dùng cuối cùng trong nước bằng cách thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu như giảm giá, khuyến mãi, khuyến khích tiêu dùng; thúc đẩy xuất khẩu và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông để tạo động lực cho các ngành liên quan.

Bà Hương cũng cho rằng cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thông qua chính sách về thuế, phí, lãi suất; cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính…

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tang-truong-quy-3-vuot-ky-vong-muc-tieu-dat-6-5-7-ca-nam-kha-thi-224619.html