Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 7 đạt 5,66%

Tín dụng đã có xu hướng phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, nhưng trở lại xu hướng giảm trong tháng 7 vừa qua.

Chiều 5-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ. Theo báo cáo của NHNN tại cuộc họp, đến ngày 31-7, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD, tăng 1,63% so với cuối năm 2023, mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.

Lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý II-2024 đạt 6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cuối tháng 7, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023.

NHNN và các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, với tổng lũy kế 34.400 tỷ đồng.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương nỗ lực, cố gắng của NHNN và cả hệ thống ngân hàng trong thực hiện chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho biết, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn những khó khăn trước mắt và lâu dài khi áp lực lạm phát còn cao, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu vay vốn tăng cao vào cuối năm, nhu cầu ngoại tệ tăng, rủi ro từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới… Cùng với đó, số tiền trong dân gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp để nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán thực hiện theo Kết luận 64 của Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2023-2024; điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách khác.

Cụ thể, điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới. Điều hành tỷ giá linh hoạt bằng các công cụ khác nhau. Tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay với các động lực tăng trưởng, các dự án hạ tầng; trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong thực hiện "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Đồng thời, điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp diễn biến thị trường. Điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tín dụng phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các chương trình ưu đãi. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngân hàng, giảm chi phí, chống tiêu cực, làm lợi cho người dân.

Cùng với đó, tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ một cách căn cơ, bài bản. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025"; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Làm tốt hơn công tác thông tin, truyền thông, chú trọng truyền thông rõ ràng, minh bạch về các sản phẩm của các tổ chức tín dụng, nâng cao hiểu biết của người dân. Đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, tăng cường công khai, minh bạch.

Thủ tướng hoan nghênh NHNN đề xuất tăng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lên 140.000 tỷ đồng với thời hạn cho vay tăng lên và lãi suất giảm đi; yêu cầu phải nghiên cứu điều kiện tiếp cận phù hợp, tìm cách làm bằng được gói tín dụng này vì đây là chính sách nhân văn, giúp những người khó khăn có chỗ ở.

Đỗ Linh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tang-truong-tin-dung-den-cuoi-thang-7-dat-566-post116093.html