Tăng trưởng tín dụng là động lực chính thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư với 'cổ phiếu vua'

Với các yếu tố đang thúc đẩy tăng trưởng của nhóm 'cổ phiếu vua', nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến những cơ hội và chiến lược tối ưu hóa lợi nhuận từ sự bứt phá mạnh mẽ của ngành ngân hàng.

Chi phí lãi suất tăng có làm giảm hấp dẫn nhóm "cổ phiếu vua"? Cổ phiếu “vua” vẫn còn hấp dẫn?

Năm 2025 khởi đầu với nhiều kỳ vọng lạc quan về sự bứt phá của nền kinh tế vĩ mô, khi tăng trưởng tín dụng và nhu cầu vốn của doanh nghiệp dự kiến sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ động lực từ đầu tư công. Chia sẻ về triển vọng cổ phiếu ngành ngân hàng trong năm nay, ông Phan Linh – Chuyên gia độc lập Tư vấn đầu tư chứng khoán cho biết, nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư, và có nhiều yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của nhóm này trong thời gian tới.

Đầu tiên, động lực tăng trưởng tín dụng được xem là nhân tố chính. Hiện nay, 70 - 80% doanh thu hoạt động của các ngân hàng đến từ lĩnh vực tín dụng. Do đó, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sẽ tạo nền tảng vững chắc hỗ trợ nhóm ngân hàng phát triển.

Đặc biệt, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP 8% mà Thủ tướng đặt ra, cùng với sự linh hoạt trong việc điều chỉnh chỉ số CPI lên mức 4 - 5%, cho thấy ý chí rõ ràng của chính sách trong việc thúc đẩy kinh tế thông qua tín dụng. Với nợ công ở mức tương đối thấp, khoảng 35% GDP, dư địa để mở rộng tín dụng là rất lớn.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng có triển vọng cải thiện đáng kể. Sau giai đoạn đáy của thị trường bất động sản vào năm 2022, thị trường này đang dần có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt ở những phân khúc như chung cư và nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội. Năm 2025 được kỳ vọng sẽ là cột mốc cho sự phục hồi mạnh mẽ của bất động sản, từ đó nâng cao giá trị tài sản đảm bảo của các ngân hàng. Điều này không chỉ củng cố chất lượng tài sản mà còn giảm rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng.

Chia sẻ về thêm về những rủi ro mà nhà đầu tư cần nhận diện khi đầu tư vào nhóm “cổ phiếu vua” trong chiến lược đầu tư năm 2025, ông Linh cho rằng, năm 2025, thị trường tài chính dự báo đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng, sẽ chịu tác động đáng kể từ một số yếu tố kinh tế vĩ mô. Một trong những rủi ro lớn đến từ biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng, khi mặt bằng lãi suất dự kiến đi ngang hoặc tăng nhẹ.

Mặc dù vẫn nằm trong vùng lãi suất thấp nhất 20 năm qua, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện vượt xa tăng trưởng huy động vốn – với số liệu tính đến cuối tháng 12/2024 lần lượt đạt 13,8% và 9%. Điều này gây áp lực lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đặc biệt khi chi phí vốn đầu vào gia tăng.

Theo chuyên gia, tỷ giá hối đoái tiếp tục là một thách thức lớn, khi những biến động có thể khiến việc duy trì lãi suất thấp gặp khó khăn. Nếu mặt bằng lãi suất nhích lên, biên lãi ròng của các ngân hàng có nguy cơ thu hẹp hơn nữa, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.

Rủi ro thứ hai là chất lượng tài sản của các ngân hàng, đặc biệt tại các ngân hàng quy mô nhỏ. Dù kỳ vọng nhóm bất động sản, một trong những lĩnh vực liên quan mật thiết đến chất lượng tài sản ngân hàng sẽ có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn cần thêm thời gian để xử lý các khoản nợ tồn đọng.

Tuy nhiên, bất động sản công nghiệp lại mang đến triển vọng tích cực trong năm 2025. Dù tốc độ thu hút vốn FDI mới giảm nhẹ 3% so với năm trước, nhờ xu hướng rút vốn và sự dè dặt đầu tư từ các nhà đầu tư quốc tế, tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp tại Việt Nam vẫn duy trì mức cao, xấp xỉ 90% ở cả miền Bắc và miền Nam. Điều này phản ánh nhu cầu ổn định từ thị trường, đặc biệt khi Việt Nam không ngừng cải thiện pháp luật về đất đai và quy hoạch, giúp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và mở rộng quỹ đất cho thuê.

Hơn nữa, các chỉ số cạnh tranh trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, như chi phí nhân công, logistics, và cải cách thủ tục hành chính, đang giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI. Nhìn chung, mặc dù nhóm ngân hàng và bất động sản đối diện nhiều thách thức trong năm 2025, bất động sản công nghiệp có cơ hội bứt phá, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, triển vọng ngành ngân hàng năm 2025 được đánh giá tích cực với chất lượng tài sản cải thiện rõ rệt và lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 17,4% so với cùng kỳ.

Chính sách tiền tệ dự kiến sẽ duy trì linh hoạt để ứng phó áp lực tỷ giá, trong khi lãi suất huy động 12 tháng có thể tăng nhẹ, khiến chi phí vốn tăng thêm 17 điểm cơ bản. Ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN), nhờ lợi thế chi phí vốn, sẽ ít chịu áp lực hơn so với ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP). NIM toàn ngành dự báo ổn định ở mức 3,48%, với sự khác biệt giữa NHTMNN (tăng 5 điểm cơ bản, đạt 2,77%) và NHTMCP (giảm 7 điểm cơ bản, còn 4,24%). Những yếu tố này cho thấy triển vọng tươi sáng cho ngành ngân hàng trong năm nay.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-truong-tin-dung-la-dong-luc-chinh-thu-hut-su-quan-tam-cua-nha-dau-tu-voi-co-phieu-vua-168332.html