Tăng trưởng tín dụng năm 2024: Liệu có khả thi?

Tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 dù không đạt chỉ tiêu nhưng vẫn được đánh giá là nỗ lực lớn của ngành Ngân hàng. Khác với chính sách điều hành những năm trước, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm, với mức tăng của cả hệ thống là 15%. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, câu hỏi đặt ra là liệu năm 2024 ngành Ngân hàng có đạt được mức tăng trưởng này?

Khách hàng tham khảo lãi suất tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank). Ảnh: Nguyễn Quang

Khách hàng tham khảo lãi suất tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank). Ảnh: Nguyễn Quang

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Sau kết quả tích cực trong tháng cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng, với định hướng kế hoạch tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế năm 2024 là 15%.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú lý giải, việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một lần ngay từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng do nhận định khó khăn của năm 2024 sẽ tiếp diễn. Ngân hàng trung ương các nước chưa hạ lãi suất, nền kinh tế có nguy cơ suy thoái nhẹ. Nhu cầu của toàn cầu giảm có thể dẫn đến xuất khẩu giảm, tác động rất lớn đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp thúc đẩy nền kinh tế thông qua việc giao ngay mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm để thúc đẩy tổng cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu được giao.

Trong khi đó, dù đã nhận được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phân bổ ngay từ đầu năm, cũng không loại trừ khả năng dư nợ tín dụng trong các tháng quý I-2024 vẫn chứng kiến mức tăng trưởng âm. Theo các chuyên gia tài chính, ngoài ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ khi nhu cầu vay vốn các tháng trước và sau Tết Nguyên đán thường thấp, khách hàng có xu hướng trả nợ hơn là đi vay, thì phần dư nợ tăng vọt trong tháng cuối năm 2023 vừa qua chỉ mang tính ngắn hạn, có yếu tố không bền vững, nên có thể tiếp tục ảnh hưởng lên tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm 2024.

Các chuyên gia cũng dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt hơn trong năm nay, với mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra trong khoảng 6-6,5%, kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu vốn tăng mạnh hơn, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc hơn. Điều quan trọng hơn là lãi suất cho vay dự kiến sẽ tiếp tục về mức phù hợp hơn, khi chi phí của các ngân hàng đang trong lộ trình đi xuống, kích thích nhu cầu vay vốn đầu tư và tiêu dùng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho rằng, khác với các quốc gia có nền kinh tế và thị trường tài chính phát triển, nguồn cung ứng vốn cho doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đến từ tín dụng ngân hàng thương mại, chiếm khoảng 70%. Năm 2024, các nguồn huy động vốn dài hạn từ thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể phục hồi. Trong đó, thị trường chứng khoán có cơ hội tăng nhưng giao dịch dự báo trầm lắng, biên độ tăng giảm lớn... Tất cả yếu tố đó khiến doanh nghiệp sẽ chủ yếu trông chờ vào nguồn tín dụng từ ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và bổ sung vốn lưu động, nên Ngân hàng Nhà nước áp dụng mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mọi năm.

Đơn hàng các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có ngành Dệt may tăng là tín hiệu khả quan cho nền kinh tế

Đơn hàng các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có ngành Dệt may tăng là tín hiệu khả quan cho nền kinh tế

Nền kinh tế có khả năng hấp thụ vốn?

Bàn về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, các chuyên gia cũng nhận định, những tháng cuối năm 2023, có một số tín hiệu khả quan cho nền kinh tế. Trong đó, số doanh nghiệp mới thành lập riêng quý IV-2023 là 42.952 đơn vị, gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022. Từ tháng 9-2023, đơn hàng cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ khả quan hơn.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê về tình hình đơn hàng xuất khẩu năm 2024 cho thấy, 22% số công ty được hỏi khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 45% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 33% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới giảm… Đây là những cơ sở để tin tưởng rằng, tình hình kinh tế năm 2024 sẽ sáng sủa hơn, doanh nghiệp dần trở lại nhịp độ sản xuất, kinh doanh bình thường và khả năng hấp thụ mức tăng trưởng tín dụng 15% là khả thi.

Tuy nhiên, ngoài những yếu tố khách quan, để có thể tiếp cận tốt nguồn tín dụng, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện cho vay của ngân hàng thương mại: Có dự án tốt, kế hoạch kinh doanh cụ thể, phương án thu hồi vốn rõ ràng…

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, các dự báo cho thấy năm 2024 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với kinh tế thế giới, có thể ảnh hưởng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; tiếp tục chỉ đạo hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Trong khi đó, đại diện của các ngân hàng thương mại cũng cho hay, mục tiêu của ngân hàng là tăng trưởng tín dụng nhưng phải đi cùng với an toàn tín dụng.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-truong-tin-dung-nam-2024-lieu-co-kha-thi-655780.html