Tăng trưởng tín dụng năm 2025: Hòa nhịp với tăng trưởng kinh tế
Mặc dù tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 chưa đạt mục tiêu đặt ra, song so với cùng kỳ năm trước thì vẫn là bước tiến dài.
Theo thống kê đến ngày 7-12, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt khoảng 12,5% và dự kiến hết tháng 12 có thể đạt 15%. Đây là tiền đề để Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2025 là 16%.
Hỗ trợ doanh nghiệp và kiểm soát lạm phát
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã xác định khơi thông tín dụng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng đã “hòa nhịp” tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và kiểm soát lạm phát.
Tính đến ngày 29-11-2024, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 11,9% và tiếp tục tăng lên 12,5% đến ngày 7-12-2024. Điều này cho thấy tín dụng tăng trưởng khá tích cực so với cùng kỳ năm 2023 (9%). Tổng dư nợ của toàn nền kinh tế là 15,3 triệu tỷ đồng, huy động vốn đạt 14,8 triệu tỷ đồng và tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn.
Tín dụng năm 2024 tăng trưởng cao hơn năm 2023 được Phó Thống đốc Đào Minh Tú lý giải là do nền kinh tế đã và đang có nhiều thuận lợi, đạt được thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Đó là xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp nhìn chung đã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh như giai đoạn trước đại dịch Covid-19, môi trường đầu tư chung đã có thuận lợi… Thêm vào đó là sự điều hành tích cực và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ kinh tế ngành đến kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ…, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn.
Nhiều ngân hàng thương mại cũng tăng trưởng đạt kế hoạch, thậm chí là vượt, bởi được chủ động xác định hạn mức theo nhu cầu vốn của nền kinh tế. Ngân hàng nào hết hạn mức được giao từ đầu năm cũng được chủ động tăng thêm hạn mức mà không chờ Ngân hàng Nhà nước thông báo như trước. Nhờ đó, nguồn lực, nguồn vốn huy động năm 2024 cũng bảo đảm hài hòa, lãi suất đầu ra giảm tích cực. So với đầu năm thì lãi suất cho vay bình quân cuối năm 2024 giảm 0,96%/năm, giúp doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào, tích cực đầu tư.
Dự kiến lãi suất không tăng mạnh
Về kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2025, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản thông báo nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%; đồng thời, tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn; bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn đúng mục đích, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh; bảo đảm an toàn hoạt động. Các tổ chức tín dụng được yêu cầu tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để có dư địa tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Theo phân tích từ các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), dự báo năm 2025, tăng trưởng tín dụng và huy động được kỳ vọng đạt lần lượt 14-15% và 13%. Tuy nhiên, lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 1 năm dự kiến không tăng mạnh trong năm 2025, nhờ Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ ổn định.
Các chuyên gia cũng cho rằng ngành Ngân hàng đang hướng tới giai đoạn củng cố nền tảng trong năm 2025, với việc tăng cường bộ đệm vốn dự phòng để kiểm soát rủi ro nợ xấu. Triển vọng năm 2025 của ngành Ngân hàng cho thấy sự cân bằng giữa thách thức và cơ hội, với động lực chính đến từ đầu tư công, sự hồi phục của thị trường bất động sản và khả năng thích ứng linh hoạt của các ngân hàng trong việc tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Nếu năm 2025 hoàn thành mục tiêu đặt ra (tăng trưởng 16%), dư nợ tín dụng của nền kinh tế dự kiến leo lên mức hơn 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025. Nghĩa là, tổng dư nợ có thể tăng thêm trong năm 2025 gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, bức tranh tín dụng năm 2025 được kỳ vọng sẽ khởi sắc. Đầu tiên là với tăng trưởng kinh tế năm 2024 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và có thể vượt kế hoạch đặt ra, năm 2025 Chính phủ đặt mục tiêu tham vọng lên đến 8%. Vì vậy, niềm tin kinh doanh sẽ lên cao hơn trước triển vọng các hoạt động kinh tế tiếp tục sôi động. Doanh nghiệp theo đó cũng sẽ mạnh dạn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư các dự án mới. Điều này sẽ giúp tăng trưởng tín dụng bán buôn được duy trì ổn định.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển:
Cần chú trọng chất lượng tín dụng
Tăng trưởng tín dụng là một trong những chỉ tiêu quan trọng của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề tăng trưởng tín dụng dựa trên hoạt động kinh doanh mới để tạo ra tiền của doanh nghiệp, hay nhà đầu tư cá nhân, người tiêu dùng cá nhân thực sự hay không cũng rất quan trọng. Bởi vậy, cần chú trọng chất lượng tín dụng, nhưng cũng không có nghĩa là chỉ chú tâm vào cho vay không tạo nợ xấu, mà cần tạo ra giá trị lan tỏa các hoạt động tiếp theo của ngân hàng như dịch vụ thanh toán… nhằm giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả cao hơn thay bằng việc tìm cách tăng doanh thu từ tín dụng.
Trên cơ sở đó, ngoài chỉ số tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng cần quan tâm tới các chỉ số khác và không thể mặc định việc ghi sổ lợi nhuận từ tín dụng báo cáo ra cho cổ đông là thành công. Việc đưa vốn ra nền kinh tế hiệu quả cần kết hợp giữa tổng vốn vay tín dụng và giá trị tạo ra từ khách hàng là giá trị thanh toán, các dịch vụ khác...
Tổng Giám đốc FiinRatings (đơn vị xếp hạng tín nhiệm) Nguyễn Quang Thuân:
Giúp dòng vốn chảy nhanh hơn
Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ dựa trên xếp hạng tín nhiệm và giám sát các hệ số an toàn vốn... mà không cần đề nghị xin duyệt từ cơ quan quản lý. Chính sách này không chỉ tăng tính linh hoạt cho các ngân hàng mà còn giúp dòng vốn chảy nhanh hơn đến các lĩnh vực cần thiết, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và người dân.
Cầu tín dụng và huy động vốn sẽ tiếp tục tăng từ một số ngành chủ chốt của Việt Nam như bất động sản khu công nghiệp (theo tăng trưởng FDI), bất động sản dân cư (nhờ sự cải thiện về tiến trình tháo gỡ pháp lý dự án) và đặc biệt là ngành năng lượng tái. Các doanh nghiệp muốn tiếp cận được vốn cần minh bạch hơn, trong đó xếp hạng tín nhiệm là một công cụ giúp doanh nghiệp chứng minh khả năng của mình. Từ đó, các tổ chức tín dụng có thêm thông tin đầy đủ để thẩm định tình hình tài chính, khả năng trả nợ cũng như các rủi ro của doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV Phan Đức Tú:
Tạo điều kiện tiếp cận tín dụng
Dự kiến, kết thúc năm 2024 ngân hàng hoàn thành toàn diện, đồng bộ các mục tiêu, chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước và đại hội cổ đông giao. Theo đó, quy mô tổng tài sản sẽ vượt mốc 2,6 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 14%. Đồng thời, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc bình ổn thị trường ngoại hối, thị trường vàng, giảm lãi suất cho vay, thực hiện các chương trình tín dụng theo mục tiêu… tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn và với chi phí thấp.
Từ thực tiễn của ngân hàng tích cực triển khai tín dụng xanh những năm qua, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động ngân hàng trong năm 2025 và những năm tới, cần có chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả. Chính phủ cần sớm ban hành quy định về phân loại và xác định dự án xanh, cần có cơ chế ưu đãi để thu hút nguồn vốn nhà nước và tư nhân như miễn giảm thuế, phí…
Thanh Nga ghi