Tăng trưởng tín dụng tạo động lực phát triển kinh tế

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội nhưng với sự quyết tâm của toàn ngành Ngân hàng (NH), hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, an toàn và có bước tăng trưởng khá, góp phần tạo đà để về đích các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021.

Các ngân hàng đẩy nhanh tốc độ thanh toán, lưu chuyển vốn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Xác định hoạt động của ngân hàng bao trùm lên tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, bởi đây là hoạt động trung gian tài chính gắn liền với sự vận động của toàn bộ nền kinh tế, bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã tập trung chỉ đạo các NH, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn nghiêm túc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa quyết liệt triển khai các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để đảm bảo nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu cho vay đầu tư phát triển, các NH, TCTD tập trung huy động một khối lượng lớn vốn nhàn rỗi của các tổ chức, cá nhân để đầu tư cho vay, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nhờ đó, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và cá nhân có điều kiện duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy quá trình tái sản xuất phát triển. Tính đến nay, tổng nguồn vốn huy động trong toàn hệ thống đạt 70.500 tỉ đồng, tăng 11,78% so với năm 2020, trong đó vốn huy động từ dân cư chiếm 78%/tổng nguồn vốn huy động.

Ngành Ngân hàng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng ngân số hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch.Cùng với công tác huy động vốn là việc thúc đẩy các giải pháp giải ngân cho vay, tạo thêm sức mạnh cho các thành phần kinh tế phát triển. Các NH, TCTD trên địa bàn chủ động rà soát, đánh giá, phân loại khách hàng đang có quan hệ tín dụng, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để xây dựng chương trình, kịch bản hành động phù hợp. Ngành tập trung điều chỉnh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong năm, các NH, TCTD trên địa bàn đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giảm 1-1,9%/năm so với cuối năm 2020. Đến nay, tổng giá trị nợ được các NH, TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ gần 3.400 tỉ đồng với gần 2.000 khách hàng, số tiền lãi đã được miễn, giảm 163 tỉ đồng. Bên cạnh tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ cho vay doanh nghiệp với dư nợ đạt gần 34.200 tỉ đồng, chiếm 42,4%/tổng dư nợ trên địa bàn, tăng 9,8% so với năm 2020, các NH, TCTD còn tập trung cho vay lãi suất ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đến nay, qua thống kê, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 27.000 tỉ đồng, chiếm 34,3%/tổng dư nợ trên địa bàn, tăng 17% so với năm 2020. Trong đó tập trung cho vay các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, khuyến khích: Sản xuất lương thực, phát triển và chế biến chè, phát triển thủy sản, rừng sản xuất, cây ăn quả, phát triển đàn lợn thịt, bò thịt chất lượng cao; tất cả đều có dư nợ tăng hơn so năm 2020. Đối tượng cho vay chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, các chủ trang trại và các HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trong mùa dịch, các ngân hàng tăng cường giải ngân vốn cho vay với lãi suất ưu đãi, góp phần duy trì sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển. Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh khẳng định: Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã thực hiện tốt công tác tham mưu, quản lý điều hành, gắn định hướng phát triển kinh tế của tỉnh vào các chương trình hành động, kế hoạch hoạt động của ngành. Các chính sách tiền tệ, tín dụng, thanh toán được xây dựng, triển khai và điều chỉnh phù hợp tình hình, làm cho dòng vốn tín dụng được khơi mở, tiếp thêm động lực phát triển kinh tế của địa phương dưới tác động không nhỏ của đại dịch. Đến nay, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt trên 80.000 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2020. Năm 2021, Phú Thọ được xếp trong tốp có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng chung của cả nước. Điều này khẳng định các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế của ngành Ngân hàng thực sự hiệu quả; giúp doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và cá nhân có điều kiện mở rộng sản xuất, cải tiến máy móc thiết bị, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và giữ vững đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh còn nhiều thách thức của dịch bệnh COVID-19.Năm 2021 đầy biến động sắp qua đi nhưng tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết cùng nền tảng hiện có, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức, điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác làm động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong năm mới 2022.

Phương thảo

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202201/tang-truong-tin-dung-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-181932